Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 13.082
Các nhiệm vụ chính thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025
Ngày cập nhật 24/04/2023

Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

 

Theo đó, các nhiệm vụ chính thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh, cụ thể như sau:

1. Cơ cấu theo 03 nhóm sản phẩm

Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 cấp độ:

- Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia

+Lúa gạo: Trọng tâm phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng tập trung tăng năng suất và diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đến năm 2025, phát triển diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 27.000 ha, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

+ Tôm: Phát triển bền vững theo hướng ổn định diện tích nuôi xen ghép trên vùng đầm phá, ưu tiên phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, ...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc. Đến năm 2025, diện tích nuôi trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200 ha.

+ Thịt lợn, thịt và trứng gia cầm: Phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học trong đó chú trọng phát triển các giống cao sản, giống bản địa có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2025 tổng đàn lợn đạt khoảng 207.000 con với tỷ lệ lợn nạc so với tổng đàn chiếm 95%; tổng đàn gia cầm 5,0 triệu con; tổng số cơ sở chăn nuôi tập trung đạt trên 1.500 cơ sở, trong đó số trang trại chăn nuôi đạt quy mô vừa trở lên khoảng 300 cơ sở. Số cơ sở sản xuất giống lợn có quy mô vừa trở lên khoảng 15 cơ sở với công suất 100.000 lợn giống/năm; cơ sở sản xuất giống gà khoảng 8 cơ sở với công suất khoảng 10 triệu con giống/năm.

- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (Cá vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thanh Trà, Sen Huế, Tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ cây dược liệu,…)

- Tiếp tục phát triển các đối tượng cá vùng đầm phá có gía trị như cá Dìa, cá Nâu, cá Kình,.. bằng phương thức nuôi xen ghép với diện tích trên 4.000 ha.

+ Mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng Thanh Trà và một số cây ăn quả đặc sản thông qua kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi Thanh Trà đến năm 2025 và đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 5.500 ha, trong đó diện tích Thanh Trà trên 1.000 ha.

+ Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển trồng Sen đã ban hành, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745 ha, trong đó Sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, Sen địa phương (Sen Huế) từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.

+ Phát triển cây dược liệu, vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm: Tập trung đầu tư phát triển 200 ha đối với 12 loài dược liệu ưu tiên đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh theo đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu..., trong đó có 2-3 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển nguồn giống dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn gốc để cung cấp đủ giống cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô vừa và lớn; phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dầu tràm Huế đến năm 2025 đạt khoảng 473 ha.

- Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương

Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến 2025, phấn đấu toàn tỉnh có trên 150 sản phẩm OCOP (xếp hạng đạt từ 3 sao “*” trở lên).

2. Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực

- Lĩnh vực Trồng trọt

+ Tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực và nhóm cây công nghiệp (ngắn ngày và lâu năm) một cách hợp lý, tăng tỷ trọng về giá trị sản xuất của nhóm cây ăn quả và rau, hoa thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng quy mô diện tích.

+ Quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, tập trung phát triển, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, tăng cường liên doanh, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản đối với diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, đất nhiễm mặn chua phèn, thiếu nước.

+ Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ,… để khai thác tiềm năng lợi thế về diện tích đất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, các loại rau hoa và cây ăn quả đặc sản của địa phương. Đặc biệt chú trọng phát triển các giống cây trồng có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của địa phương.

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 2,0%/năm, giá trị gia tăng bình quân 1,8%/năm; đến năm 2025 giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt đạt khoảng 120 triệu đồng.

- Lĩnh vực Chăn nuôi

+ Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

+ Xây dựng phương án, giải pháp phát triển đồng bộ về giống, thức ăn, gắn với thị trường tiêu thụ. Khuyến khích, hỗ trợ các dự án liên doanh, liên kết; đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới (thịt mát); dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao; dự án nghiên cứu lai tạo sản xuất cung ứng giống lợn ngoại, bò lai năng suất và chất lượng cao.

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 4,5%/năm, giá trị gia tăng bình quân từ 3,5 đến 4,0%/năm.

- Lĩnh vực Thủy sản

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn, tập trung phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế của tỉnh, như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ. Đẩy mạnh phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, ...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc,… để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến xuất khẩu.

+ Rà soát lại cơ cấu nghề, ngư trường đánh bắt để xác định cơ cấu đội tàu khai thác hợp lý, từ đó hướng dẫn ngư dân cải hoán tàu thuyền kết hợp nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần đủ mạnh để thu mua, vận chuyển sản phẩm hỗ trợ tàu khai thác rút ngắn thời gian bảo quản trên biển, nâng cao chất lượng sản phẩn gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất của lĩnh vực thủy sản bình quân 4,0%/năm, giá trị gia tăng bình quân 3,5%/năm. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng lên 45%, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác còn 55%.

- Lĩnh vực Lâm nghiệp

+ Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản và các sản phẩm từ gỗ; phát triển mô hình kỹ thuật gieo ươm cây giống thân thiện với môi trường, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tiến tới hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn theo đề án của tỉnh, phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền…

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân từ 5,0 đến 5,5%/năm, giá trị gia tăng bình quân 4,5%/năm. Đến năm 2025, diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 15.000 ha; diện tích rừng gỗ lớn đạt khoảng 14.000 ha (chiếm khoảng 16% tổng diện tích rừng trồng sản xuất hiện có, trong đó diện tích rừng gỗ lớn từ các loài cây bản địa khoảng 1.050 ha)./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày