Theo đó, để triển khai Kế hoạch có hiệu quả, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và xây dựng các chính sách của tỉnh về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, cụ thể như sau:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã theo quy định của Trung ương và của tỉnh về: phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách khoa học - công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội..., tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển bền vững. Cụ thể như: Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 2817/QĐ-UBND ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triểnkinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025...
- Rà soát, bổ sung Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế và các giai đoạn tiếp theo.
- Thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện của tỉnh đối với từng loại hình hợp tác xã: phát triển thương hiệu, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững có chứng nhận chất lượng; cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất cho thành viên và cộng đồng dân cư; tham gia chuỗi liên kết giá trị; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh. Xây dựng các dự án, kế hoạch ưu tiên phát triển các hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Một số chính sách cụ thể:
+ Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Đề nghị Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh: Đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể, hợp tác xã vào chương trình giảng dạy trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cho cán bộ, công chức, đảng viên tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố.
Liên minh hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối với các sở, ngành và địa phương tổ chức Đào tạo chuẩn hóa các chức danh quản lý kinh tế tập thể (giám đốc, kế toán, kiểm soát); đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ máy lãnh đạo và người lao động trong các tổ chức kinh tế tập thể; đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức của các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên; tuyên truyền, tổng hợp chính sách khuyến khích lao động trẻ có trình độ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể phù hợp với quy định của trung ương và tình hình thực tế địa phương.
+ Chính sách đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức rà soát, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể. Trên cơ sở pháp luật về đất đai, xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn. Công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cục Thuế tỉnh: Thực hiện các chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho tổ chức kinh tế tập thể theo đúng quy định.
+ Chính sách tài chính
Cục Thuế tỉnh: Triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các loại thuế, phí, lệ phí khác; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã về thủ tục khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế, tránh trường hợp hợp tác xã vi phạm các quy định về thuế và nợ thuế.
Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan cân đối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể. Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí.
+ Chính sách tín dụng
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thừa Thiên Huế:
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng để phát triển kinh tế tập thể; quản lý hoạt động các Quỹ tín dụng nhân dân an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, hoạt động đúng mục đích và tuân thủ quy định pháp luật tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường hỗ trợ tín dụng, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, các hợp tác xã nông nghiệp, …
Liên minh hợp tác xã tỉnh: Điều hành có hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, không để thất thoát.
+ Chính sách khoa học - công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cho hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của các hợp tác xã; hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP; tập trung hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập để tạo thành thương hiệu trên thị trường; hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (GAP, hữu cơ); nhất là công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm; tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học ứng dụng cho việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học - công nghệ cho các tổ chức kinh tế tập thể trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đối với hợp tác xã hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp; góp phần tạo ra những vùng nguyên liệu và thương hiệu sản phẩm nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, nâng cao thu nhập người dân; hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được vay vốn trung, dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh.
+ Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường
- Liên minh hợp tác xã tỉnh: Vận hành tốt và duy trì trang tin điện tử (Website) về kinh tế tập thể; kết nối với các trang tin về đăng ký hợp tác xã, đào tạo trực tuyến, sàn giao dịch điện tử.
- Sở Công Thương:
Trực tiếp tổ chức và hỗ trợ cho 05-10 lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh ở các kỳ hội chợ, triển lãm có tính chất khu vực, quốc tế được tổ chức tại các vùng kinh tế trọng điểm, biên giới trong cả nước. Hàng năm, tổ chức từ 01 - 02 hội nghị giao thương kết nối cung cầu tại tỉnh; hàng năm, tổ chức đoàn khảo sát thị trường trong nước trên cơ sở đề xuất thực tế và nhu cầu của hợp tác xã.
Triển khai chính sách khuyến công, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ vốn khuyến công khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trong đó có hợp tác xã đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã tham gia gian hàng trên Sàn thương mại điện tử (https://santmdthue.vn); hỗ trợ về công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tại Cổng thông tin sản phẩm đặc sản Huế (http://sanphamhue.vn), trên website Sở Công Thương,...
+ Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì tổng hợp, đề xuất danh mục, nội dung hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với các tổ chức kinh tế tập thể; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. Lập thủ tục, triển khai có hiệu quả Chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 97/NQ-HĐND.
Cân đối nguồn vốn đầu tư công, lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án để thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các địa phương: Quan tâm phân bố nguồn vốn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với các tổ chức kinh tế tập thể.
+ Chính sách bảo hiểm xã hội:
Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tổ chức rà soát việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động làm việc trong hợp tác xã theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật có liên quan. Tổng hợp, đề xuất phương án xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiếm thất nghiệp trong các tổ chức kinh tế tập thể./.