Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 3.371
Các nhiệm vụ trọng tâm triển khai công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023
Ngày cập nhật 13/03/2023

Ngày 16 tháng 02 năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) ban hành Chương trình số 11/CTr - BCĐ về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.

 

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình có hiệu quả, cụ thể như sau:

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, về công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 05/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT-TW ngày 22/10/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị,...

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, các khu kinh tế, công nghiệp, khu đô thị lớn theo hướng xã hội hóa với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” đến từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các Sở, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và của Nhân dân trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung tuyên truyền để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm để chủ động phòng ngừa, không bị lợi dụng, kích động, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.

- Các cơ quan thông tin, truyền thông phát huy tối đa các kênh thông tin, phương tiện thông tin truyền thông; áp dụng các kênh thông tin tuyên truyền mới, nhất là ứng dụng mạng internet, hệ thống Giám sát, điều hành đô thị thông minh Hue-S; vận dụng thực hiện tuyên truyền phù hợp với từng lĩnh vực, điều kiện của đơn vị, địa phương.

- Vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; tích cực tham gia hưởng ứng các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”, “Tháng an toàn giao thông”, “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”…; tham gia vận động đối tượng bị truy nã ra đầu thú; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ; giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường...

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2010 của Bộ Trưởng Bộ Công an về đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, trong việc tổ chức thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 23/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 08/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phường điển hình về bảo đảm trật tự đô thị.

3. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp về công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giữa lực lượng Công an với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể.

- Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ; giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

- Duy trì thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự ở các cụm liên kết giáp ranh, chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin kịp thời, phối hợp giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự ở các địa bàn giáp ranh giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh giáp ranh: Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ để giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp ở địa bàn giáp ranh.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực Công an với các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công nhân, học sinh, sinh viên.

4. Củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt ở cơ sở; nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

- Cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến các chế độ, chính sách, trang bị công cụ, phương tiện; bổ sung, kiện toàn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, pháp luật; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố Huế, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 443/KH-UBND ngày 28/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn các chỉ tiêu vào nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.

5. Nâng cao hiệu quả việc triển khai, thực hiện đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an và đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo Quyết định số 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/01/2022 của Bộ Công an

Trưởng Ban Chỉ đạo 138 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bản tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện phấn đấu đạt các tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự” theo Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/01/2022 của Bộ Công an về ban hành “Quy định Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xem đây là tiêu chí để xét khen thưởng tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chấm điểm tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cuối năm.

Chú trọng công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng và duy trì hoạt động các mô hình để đảm bảo đúng theo tiêu chí mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục có ít nhất 01 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả. Phấn đấu năm 2023, 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đăng ký xây dựng “An toàn về an ninh, trật tự” và đến cuối năm 90% trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

6. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Đổi mới công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến mang đặc trưng riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp từng vùng, địa bàn, lĩnh vực, từng chuyên đề, hợp lòng dân, vừa sức dân, theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở, trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, thu hút ngày nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Chú trọng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của mô hình, gắn kết với công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, với các phong trào cách mạng khác do cấp ủy, chính quyền địa phương phát động. Đồng thời, rà soát, củng cố các mô hình hoạt động chưa hiệu quả, kiến quyết kết thúc các mô hình không hiệu quả, hoạt động cầm chừng, hình thức và không còn phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương.

7. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8) gắn với kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông qua việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống vẻ vang của dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng; thành tựu của đất nước; vai trò, sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm. Qua đó động viên, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

8. Công tác thi đua, khen thưởng

Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng công tác xét, đề nghị tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh công tác khen thưởng, sơ kết, tổng kết các chuyên đề trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác khen thưởng đột xuất trong phòng, chống tội phạm, khen thưởng tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.

Tổ chức đăng ký danh hiệu thi đua ngay từ đầu năm, đồng thời có kế hoạch hướng dẫn xây dựng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tạo động lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày