Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhằm triển khai Kế hoạch có hiệu quả, cụ thể như sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về cai nghiện, phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền có chiều sâu và tuyên truyền trực tiếp; tập trung tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma tuý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn cho học sinh, sinh viên, học viên để nâng cao ý thức phòng ngừa.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng Internet thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; trên kênh Youtube, Zalo, ứng dụng HueS nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
2. Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về: quy trình tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quy định về chế độ chính sách đối với người cai nghiên tại gia đình và cộng đồng,… phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đã thành lập tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm giúp người sử dụng ma túy, người đang cai nghiện tại cộng đồng và gia đình họ liên hệ được với các dịch vụ y tế và xã hội khi cần thiết nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện, tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
3. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tập trung
- Tiếp tục huy động nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men,… để đáp ứng yêu cầu điều trị nghiện tại Trung tâm.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng bảo vệ làm công tác quản lý, cai nghiện ma túy.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, chữa trị và giáo dục, tư vấn dạy nghề, lao động sản xuất cho học viên vào cai nghiện tại Trung tâm. Tạo môi trường cai nghiện tốt để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện và tự nguyện xin vào cai nghiện.
- Tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về công tác cai nghiện phục hồi tại cơ sở cai nghiện.
4. Hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
- Các huyện, thị xã, thành phố cùng các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác vận động, hỗ trợ sau cai, đảm bảo 100% số người đã cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm trở về cộng đồng được hỗ trợ, giúp đỡ sau cai tại nơi cư trú.
- Phát triển các biện pháp liên kết, phối hợp giữa cơ sở cai nghiện, chính quyền địa phương với cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy thuận lợi trong học nghề và lao động sản xuất, giải quyết việc làm.
5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, hỗ trợ sau cai nghiện
- Xây dựng kế hoạch tiếp tục mở các lớp đào tạo cơ bản và nâng cao đối với cán bộ làm công tác quản lý, điều trị, cai nghiện phục hồi và hỗ trợ sau cai tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng.
- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội các cấp và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ tại Trung tâm.
- Tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả trong công tác để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, điều trị phục hồi cho người nghiện và người sau cai nghiện./.