1. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy. Ưu tiên lực lượng, phương tiện, biện pháp triển khai công tác chuyển hóa ma túy tại địa bàn các xã, thị trấn có ma túy và giữ vững các xã không có ma túy tại địa bàn huyện A Lưới, bảo đảm tiến độ Đề án “Chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới và tăng cường công tác phòng ngừa ma túy xâm nhập tuyến biên giới xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào”; Thông qua công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chủ động tham mưu triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa bàn các xã biên giới; kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết tốt những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự tại địa bàn huyện biên giới A Lưới; tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các xã, thị trấn; thiết lập “Đường dây nóng”, “Hòm thư tố giác tội phạm” để tiếp nhận tố giác, tin báo, thông tin liên quan đến ma túy; làm tốt công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc phạm tội và vi phạm về ma túy; bảo đảm 100% vụ án được phát hiện được tập trung điều tra, củng cố tài liệu chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật; chủ động tham mưu, huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy; phối hợp Sở Tài chính tham mưu kinh phí hỗ trợ công tác chuyển hóa tình hình ma túy tại các 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống ma túy tại các xã biên giới. Huy động lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại địa bàn các xã biên giới, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, ổ nhóm tội phạm trên tuyến biên giới. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Hải quan trong triển khai các phương án nghiệp vụ nhằm phòng ngừa ma túy xâm nhập tuyến biên giới, giữ vững các xã biên giới không có ma túy và chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn các xã biên giới có ma túy. Chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm soát và đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới với các lực lượng chức năng của Lào phía đối biên.
3. Hải quan tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng trong triển khai các phương án nghiệp vụ, đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy tại cửa khẩu.
4. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành các vụ án về ma túy tại tuyến biên giới; phối hợp trong công tác lập hồ sơ cai nghiện, xét xử bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an lựa chọn và tổ chức ít nhất 01 phiên tòa xét xử lưu động để răn đe tội phạm và tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân tại các xã biên giới.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện trên địa bàn, trong đó, phối hợp với lực lượng Công an các cấp có cơ chế ưu tiên đối với công tác tiếp nhận đối tượng cai nghiện bắt buộc của các xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới; chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn có liên quan (Theo Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 về Quy chế phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế); chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan triển khai các giải pháp tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy; công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại các xã biên giới, hạn chế thấp nhất khả năng tái nghiện.
6. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện A Lưới ưu tiên lực lượng, phương tiện triển khai điều trị nghiện đối với các đối tượng nghiện thuộc địa bàn 18 xã, thị trấn. Tiến hành rà soát, nắm tình hình và bổ sung, hỗ trợ cho lực lượng y tế làm công tác cai nghiện tại địa bàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới; nhất là ưu tiên hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, dụng cụ test ma túy… cho các cơ sở có chức năng xác định tình trạng nghiện tại địa bàn các xã biên giới.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo rà soát, đánh giá việc tổ chức triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện biên giới A Lưới. Trên cơ sở đó, có cơ chế ưu tiên trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là ưu tiên vay vốn, vốn hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, tạo việc làm…, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
8. Ban Dân tộc tỉnh: Tham mưu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc và tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới, nhất là đối với những địa bàn điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là tại các thôn, xóm, bản có tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy phức tạp để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp có cơ chế chính sách quản lý và ưu tiên phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế: Tăng thời lượng đưa tin, phát sóng, bài viết tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống ma túy, tuyên truyền “gương người tốt, việc tốt”, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống ma túy tại 18 xã, thị trấn; đưa tin về việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
10. Sở Tài chính: Phối hợp Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí hỗ trợ công tác chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới và tăng cường công tác phòng ngừa ma túy xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào.
11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường ưu tiên triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân tại địa bàn xã biên giới; phối hợp thường xuyên với lực lượng Công an các cấp để chuyển hóa ma túy. Tăng cường các hoạt động giám sát các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống ma túy tại các xã biên giới, kịp thời kiến nghị các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống ma túy.
12. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh: Chỉ đạo các cấp bộ đoàn, cấp hội phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy. Có giải pháp hỗ trợ giúp đỡ đối với đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có người thân phạm tội ma túy hoặc nghiện ma túy, giúp đỡ và quản lý sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện biên giới A Lưới. Trong đó, Huyện đoàn A Lưới bảo đảm mỗi xã, thị trấn đều có mô hình, công trình, phần việc thanh niên trong phòng, chống ma túy phù hợp, hiệu quả (nhất là số thanh niên sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, chấp hành xong án phạt tù, đối tượng có nguy cơ…) thuận lợi vay vốn, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế; xây dựng điển hình thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới tiến bộ, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
13. Ủy ban nhân dân huyện A Lưới: Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống kiểm soát ma túy, chuyển hóa tình hình ma túy tại các xã biên giới của các ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là người đứng đầu; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác chuyển hóa ma túy tại các xã, thị trấn, chỉ đạo các ngành chức năng (Công an, Quân sự. Lao động thương binh xã hội, y tế...), các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn huy động hệ thống chính trị và toàn dân phối hợp thực hiện các giải pháp chuyển hóa các xã có ma túy và giữ vững các xã không có ma túy. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại các xã biên giới; ưu tiên triển khai các chính sách xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… cho các đối tượng yếu thế, có nguy cơ phạm tội, đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đối tượng sau cai nghiện… tại các xã biên giới. Đặc biệt, việc triển khai chính sách phải gắn liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách tại từng địa bàn cấp xã bảo đảm thực chất, phù hợp với đặc điểm tình hình và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; căn cứ vào thực tiễn tình hình địa phương, chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác chuyển hóa ma túy tại các xã, thị trấn và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tại các xã biên giới nói chung./.