Mục đích của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Văn bản thuộc đối tượng tự kiểm tra là những văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Văn bản thuộc đối tượng kiểm tra: Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành và những văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nội dung kiểm tra: Kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản gồm kiểm tra thẩm quyền về hình thức và kiểm tra thẩm quyền về nội dung và kiểm tra về nội dung của văn bản. Kiểm tra về căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
Phương thức kiểm tra: có hai phương thức kiểm tra là tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền.
Kiểm tra theo thẩm quyền là kiểm tra văn bản do cơ quan, người ban hành văn bản gửi đến; kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và kiểm tra văn bản theo địa bàn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Năm 2023, thực hiện kiểm tra tại địa bàn thị xã: Hương Trà, Hương Thủy; các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền.
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 1135/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thành lập và kết luận các Đoàn kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện Kế hoạch; Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra văn bản ở địa phương; Đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương; Thực hiện chế độ báo cáo về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện Kế hoạch này.
Trách nhiệm của cơ quan được kiểm tra: Gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra theo quy định; Chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của các Đoàn kiểm tra; Cung cấp văn bản để kiểm tra; Bố trí địa điểm tại cơ quan mình để phục vụ công tác kiểm tra; Chuẩn bị báo cáo về công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.