Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 6.837
Kết quả rà soát vướng mắc các Thông tư của các Bộ, ngành nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp
Ngày cập nhật 29/12/2022

Ngày 07/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có Công văn gửi đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương chỉ đạo rà soát toàn bộ các Thông tư đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giảm bớt các thủ tục yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 11933/UBND-TP ngày 09/11/2022 chỉ đạo các sở, ngành địa phương tiến hành rà soát vướng mắc của các thông tư đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành.

 

Kết quả rà soát như sau:

Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và thông qua hoạt động rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ một số vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế của 16 Thông tư thuộc  04 lĩnh vực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục, yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tố chức, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, cụ thể:

Lĩnh vực: Văn hóa và Thể thao

1. Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Các văn bản mà Thông tư sử dụng để làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực.

- Nội dung Thông tư quy định về định mức tiền ăn, tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức, các Tiểu ban chuyên môn, trọng tài, giám sát; chế độ làm nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên y tế, phiên dịch, công an, lực lượng làm nhiệm vụ khác không còn phù hợp với tình hình thực tế giá cả hiện nay.

Đề xuất, kiến nghị:Ban hành văn bản để thay thế.

2. Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cấp huyện

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Các văn bản mà Thông tư sử dụng để làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực.

- Nội dung của Thông tư không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề xuất, kiến nghị: Ban hành văn bản để thay thế.

3. Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Các văn bản mà Thông tư sử dụng để làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực.

- Nội dung của Thông tư không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Đề xuất, kiến nghị: Ban hành văn bản để thay thế.

4. Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Các văn bản mà Thông tư sử dụng để làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

- Nội dung của Thông tư không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề xuất, kiến nghị: Ban hành văn bản để thay thế.

5. Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao.

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

1. Các văn bản mà Thông tư sử dụng để làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

2. Nội dung của Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Đề xuất, kiến nghị: Ban hành văn bản để thay thế.

6. Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

Biểu thống kê độ tuổi người gây bạo lực gia đình và nạn nhân bị bạo lực gia đình chỉ có 02 chỉ tiêu thống kê là “Dưới 16 tuổi và từ đủ 60 tuổi trở lên”. Trong đó, qua quá trình thực hiện, rà soát thì người gây bạo lực gia đình và nạn nhân bị bạo lực gia đình phần lớn nằm trong độ tuổi từ 16 – 59 tuổi lại không được đưa vào biểu mẫu thống kê; dễ gây nhầm lẫn trong việc thống kê, tổng hợp số liệu.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế

7. Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

Đề xuất bổ sung quy định “trích lại cho đơn vị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một phần trên tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính qua công tác thanh tra, kiểm tra đã được các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước để trang cấp trang thiết bị,...” nhằm phục vụ tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.

8. Thông tư số 09/2016/TT-BVHTTDL ngày 14/10/2016 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập: Điểm c khoản 2 Điều 5 của Thông tư quy định: “Đối với thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã: số lượng thành viên Ban Tổ chức không quá 6 người”

Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh thường quy mô lớn cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành, đơn vị liên quan nên việc quy định số lượng thành viên Ban Tổ chức không quá 6 người là chưa phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 của Thông tư và điều chỉnh theo hướng quy định số lượng Ban tổ chức từ 8 – 10 người.

Tại điểm a, b, khoản 3 Điều 12 của Thông tư đề nghị điều chỉnh lại, như sau:

“a) Đối với thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp khu vực và toàn quốc: báo cáo kết quả bằng văn bản về Cục Văn hóa cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bế mạc;

b) Đối với thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, huyện: báo cáo kết quả bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bế mạc.”

Lĩnh vực: Tài chính

9. Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Tại khoản 3 Điều 5 Thông tư quy định:

“3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do NNT kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:

a) Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.

b) Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp sản xuất bán ra.

Việc xác định sản phẩm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo thẩm quyền.

- Tại khoản 3 Điều 6 quy định:

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (bán trong nước hoặc xuất khẩu)

a) Trường hợp bán ra sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên (trường hợp bán trong nước) tương ứng với sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng hoặc trị giá hải quan của sản phẩm tài nguyên xuất khẩu (trường hợp xuất khẩu) không bao gồm thuế xuất khẩu tương ứng với sản lượng tài nguyên xuất khẩu ghi trên chứng từ xuất khẩu nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

Trị giá hải quan của sản phẩm tài nguyên xuất khẩu thực hiện theo quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành và sửa đổi, bổ sung (nếu có).

b) Trường hợp bán ra sản phẩm công nghiệp thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp được trừ khi xác định giá tính thuế căn cứ công nghệ chế biến của doanh nghiệp theo Dự án đã được phê duyệt nhưng không bao gồm chi phí khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

Qua thanh tra tại Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế, căn cứ quy định nêu trên, Thanh tra tỉnh đã có Văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xác định nước thương phẩm do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế sản xuất là sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm tài nguyên để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để xác định sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm tài nguyên. Mặt khác, Thông tư của Bộ Tài chính không phải là văn bản cấp trên của Bộ chuyên ngành nên quá trình áp dụng gặp nhiều khó khăn, không có cơ sở để thực hiện.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.

10. Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Tại điểm b2 khoản 1 Điều 6 Thông tư quy định: “Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được trích 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí phí cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 25% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước”.

Hiện nay, các Phòng Công chứng tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện nhiệm vụ thu-chi tài chính, trích lập các quỹ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp tiền thuê đất (theo quy định tại Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 ),... Phòng Công chứng không được hưởng lợi gì về chế độ tài chính khi so sánh với Văn phòng Công chứng nhưng phải nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước dẫn đến việc không công bằng trong hoạt động tài chính giữa Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. Bên cạnh đó, số lượng Văn phòng Công chứng được thành lập và hoạt động ngày càng tăng dẫn đến nguồn thu của Phòng Công chứng giảm nên gặp nhiều khó khăn về tài chính để chi cho hoạt động và chi lương cho công chứng viên, viên chức.

- Qua quá trình triển khai thực hiện quy định về mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch tại Điều 4 Thông tư, nhận thấy các khoản thu này quá thấp và khoản trích nộp vào ngân sách sách tương đối quá cao, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi điểm b2 Điều 6 Thông tư số 257/2016/TT-BTC theo hướng quy định: Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được trích 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí phí cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 10% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước” để phù hợp với mức kê khai, nộp thuế của các Văn phòng công chứng đang thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 257/2016/TT-BTC.

Lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường

11. Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập: Một số nội dung của Thông tư không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy đinh một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

12. Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập: Một số nội dung của Thông tư không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy đinh một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

13. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Thông tư chưa hướng dẫn cụ thể các đối tượng tham vấn, mẫu phiếu tham vấn đối với quy định về Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC).

- Thông tư chưa có hướng dẫn cụ thể các vấn đề thẩm định ĐMC đối với Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia.

- Điểm a khoản 3 Điều 66 Thông tư quy định: “Báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị và bản điện tử (file.doc). Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai”. Vậy “Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo" có phải là các Chứng từ CTNH và Biên bản bàn giao CTCN hay không.

- Thông tư có đề cập đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên không đề cập đến việc thực hiện biên bản bàn giao chất thải sinh hoạt và không có mẫu biên bản bàn giao rác sinh hoạt.

Vậy trong trường hợp này khi chuyển giao chất thải sinh hoạt cho đơn vị thu gom có chức năng thì doanh nghiệp có cần phải thực hiện biên bản bàn giao hay không.

Đề xuất, kiến nghị: ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.

14. Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản; mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản và Thông tư số 51/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản; mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập: Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT và Thông tư số 51/2017/TT-BTNMT có quy định ban hành các biểu mẫu kèm theo. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực địa chất khoáng sản chưa có biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư nêu trên như: chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản dẫn đến việc chưa thống nhất về biểu mẫu giữa các tỉnh, thành.

Đề xuất, kiến nghị: Bổ sung các biểu mẫu liên quan đến thủ tục hành chính về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Lĩnh vực: Tư pháp

15. Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập: Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư quy định việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, như sau:

2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;”

Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: "Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản".

Như vậy, quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã làm hạn chế nội dung ủy quyền của công dân so với quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ điểm a, b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP.

16. Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng

Lý do không phù hợp, vướng mắc, bất cập:

- Điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư quy định: “2. Giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng đối với Luật sư là Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên.

Điểm c, điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư quy định: “3. Giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Công chứng là một hoặc một số giấy tờ sau đây:

c) Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này;

d) Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật”.

Như vậy, nếu Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng và có giấy tờ chứng minh là: Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 3 về giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật đối với luật sư là Chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này.

Như vậy, việc chứng minh đủ điều kiện được miễn đào tạo nghề công chứng và phải chứng minh lại thời gian công tác pháp luật là có sự trùng lặp, gây khó khăn cho người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, nhất là trong trường hợp luật sư đã làm việc tại doanh nghiệp khác trước đó (không phải với tư cách là luật sư) vì theo khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên”, như vậy, sẽ không có bảo hiểm xã hội phù hợp với chức danh của luật sư để chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại điểm c khoản 3  Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP.

- Thông tư quy định về mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch (Mẫu TP-CC-06) chỉ được sử dụng bằng Tiếng Việt. Do đó, đối với văn bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng bản dịch vì có phần nội dung cần dịch bằng tiếng nước ngoài, phần nội dung lời chứng bằng tiếng Việt nên khi sử dụng tại nước ngoài thì cơ quan tiếp nhận phải yêu cầu dịch lại phần nội dung lời chứng bản dịch.

Hiện nay, việc công chứng, chứng thực bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài của các tổ chức hành nghề công chứng và của Phòng Tư pháp trên địa bàn tỉnh có quan điểm thực hiện không thống nhất như sau: Đối với Phòng Tư pháp phần lời chứng thực hiện song ngữ; đối với các tổ chức hành nghề công chứng thì có tổ chức thực hiện mẫu lời chứng bằng tiếng Việt, có tổ chức thực hiện mẫu lời chứng song ngữ.

Đề xuất, kiến nghị: Đề nghị bãi bỏ nội dung “kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh” tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP.

Sửa đổi mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch (Mẫu TP-CC-06) từ mẫu lời chứng tiếng Việt thành mẫu lời chứng song ngữ (đối với công chứng bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài).

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giảm bớt các thủ tục yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đề xuất các bộ sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp các thông tư nêu trên.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày