Theo đó, nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước tạo sự chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học... Tại Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; cung cấp thông tin, hội thảo, truyền thông đến các cấp, ngành, đơn vị liên quan, cộng đồng dân cư về đa dạng sinh học và công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn của tỉnh; thiết lập, duy trì mạng lưới truyền thông đa dạng sinh học nhằm xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn tỉnh; tập huấn, nâng cao nhận thức đến các cấp, ngành, đơn vị liên quan và người dân về sinh vật ngoại lai, các biện pháp giám sát, kiểm soát và bao vây, tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý về đa dạng sinh học, bảo vệ Vườn Quốc gia, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học của tỉnh; lập kế hoạch quản lý hằng năm, triển khai quy hoạch phân khu chi tiết, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí ngân sách và nhân lực; Nâng cao năng lực của các Ban Quản lý, tổ chức được giao quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; Tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện duy trì và phát huy giá trị đa dạng sinh học theo các tiêu chí quốc gia đối với Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng.
- Tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu đề cử nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: tổ chức điều tra hiện trạng về đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn của tỉnh; nghiên cứu, rà soát, đánh giá và xây dựng lộ trình để đề cử phát triển, nâng cấp thành Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu Ramsar. Nghiên cứu đề cử nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn, trung tâm bảo tồn, trung tâm cứu hộ, cơ sở bảo tồn,…
- Bảo vệ và phát triển vốn rừng, đa dạng sinh học rừng của tỉnh; thực hiện xác định phạm vi, ranh giới, điều tra đa dạng sinh học về động - thực vật và các giá trị môi trường; nghiêm cấm các tác động bất lợi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật. Bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị; triển khai rà soát theo Quy định hành lang biển nhằm thiết lập hành lang gắn kết các khu cư trú và hành lang di cư tự nhiên cho các loài sinh vật để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật và bảo vệ nguồn nước; duy trì các bãi giống, bãi đẻ. Bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, các hệ sinh thái đất ngập nước trên địa bàn tỉnh; phát triển các giống, loài thủy sản quý hiếm, đặc thù, có giá trị kinh tế và khoa học cao, đảm bảo cân bằng sinh thái, phục vụ mục đích du lịch, nghiên cứu, giáo dục, bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
- Thực hiện kiểm soát, cập nhật định kỳ các loài ngoại lai trên địa bàn tỉnh đưa vào danh mục và có các biện pháp quản lý phù hợp theo 02 nhóm danh mục. Tăng cường trồng rừng bằng các giống cây bản địa, giống cây rừng trồng có chất lượng; tổ chức bảo tồn nguồn gen các loài cây gỗ bản địa, loài dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế cao; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án về kiểm kê, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn gen bản địa, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với các loài sinh vật biến đổi gen. Đẩy mạnh công tác quản lý, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động săn bắt, mua, bán, sản xuất, vận chuyển, sử dụng các loài thuộc Danh mục ưu tiên bảo vệ và sản phẩm của chúng...
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đô thị, nông thôn: đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị đạt tiêu chuẩn về phân loại đô thị; hình thành các vùng đệm cây xanh có quy mô đủ lớn để phân chia ranh giới khu công nghiệp và khu dân cư, khu đô thị mới và các khu vực xung quanh khác để tạo không gian đảm bảo cuộc sống người dân và cảnh quan đô thị; cải tạo, nâng cấp hệ thống các hồ trong đô thị, công viên công cộng, phát triển dải cây xanh tại các khu dân cư, đường phố phù hợp, đa dạng, tạo cảnh quan đẹp và cải tạo môi trường sống; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để duy trì, phục tráng và nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản quý và sản xuất các sản phẩm đặc thù, đặc sắc, có thương hiệu của địa phương.