Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 6.838
Kết quả thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” năm 2022
Ngày cập nhật 06/12/2022

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” (sau đây gọi tắt là Đề án 65), Sở Tư pháp- Cơ quan chủ trì Đề án báo cáo kết quả thực hiện Đề án 65 năm 2022, như sau:

 

1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án

Sở Tư pháp-cơ quan chủ trì Đề án 65 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 390/KH-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 về triển khai Đề án năm 2022.

2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn

Tổ chức 08 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho hơn 480 đại biểu là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tập huấn viên cấp huyện và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư với các nội dung: Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giới thiệu Quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; Một số nội dung Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo đó, nội dung “giới thiệu Quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã được báo cáo viên thực hiện tuyền truyền, phổ biến về phòng, chống tra tấn.

3. Biên soạn, phát hành và đăng tải tài liệu phổ biến

Biên soạn và cấp phát miễn phí cho cán bộ, nhân dân và đối tượng thụ hưởng Đề án 65: sách “Một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến phòng, chống tra tấn” (2.250 quyển); 3 loại tờ gấp pháp luật “Quy định về trình tự, thủ tục trích xuất, giao nhận và quản lý học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dục được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử” (15.000 tờ); “Một số quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy” (15.000 tờ); “Xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình” (15.000 tờ).

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

Về hình thức, bên cạnh các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống như Hội nghị, Hội thảo, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng việc xây dựng, vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Áp dụng đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai phù hợp với đối tượng, địa bàn, mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Thông qua Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và Chuyên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, đã đăng tải nhiều nội dung tin, bài được cập nhật liên tục, thường xuyên, mang tính thời sự đáp ứng yêu cầu của người truy cập nhất là các vấn đề liên quan đến nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Đã thực hiện giải đáp 150 tình huống liên quan đến quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trong các lĩnh vực như: Pháp luật về phòng, chống ma túy; pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tìm hiểu một số quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và quyền được bồi thường thiệt hại của nạn nhân của hành vi tra tấn; pháp luật quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

- Tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch số 674/KH-HĐPH ngày 28 tháng 4 năm 2022 về Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, Cuộc thi được tổ chức trong thời gian 30 ngày, từ 00 giờ 00 phút ngày 09/9/2022 đến 24 giờ 00 phút ngày 09/10/2022. Qua tổng hợp trên hệ thống phần mềm Cuộc thi, tính đến 00 giờ 00 phút ngày 10/10/2022, tổng số lượt đăng ký tham gia Cuộc thi là 37.322 lượt dự thi, trong đó có 1.394 lượt trả lời đúng 14/14 câu hỏi trắc nghiệm; Cuộc thi đã thu hút 67 đơn vị trường học trên toàn tỉnh tham gia (trong đó có 18 trường Đại học – Cao đẳng, 49 trường Trung học phổ thông). Tổ chức trao giải Cuộc thi cho 8 tập thể và 8 cá nhân vào tháng 11/2022 nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2022) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

5. Tuyên truyền, phổ biến trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn

Hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tìm hiểu pháp luật đã được chú trọng triển khai nhất là việc tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn. Tăng cường thông tin, truyền thông giới thiệu các nội dung liên quan về phòng, chống tra tấn; đưa vào các cuộc họp tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ; lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật theo chủ đề; với việc phát huy dân chủ, xây dựng đời sống văn hóa ở cụm dân cư. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn, cụ thể như: các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn; các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; các tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự liên quan đến các hành vi tra tấn; các quy định pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế; các quy định, chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tra tấn; tình hình phòng ngừa, đấu tranh, xử lý của các cơ quan nhà nước đối với hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo; vô nhân đạo, hạ nhục con người….Do đó, việc tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn đã đáp ứng được nhu cầu của cán bộ và nhân dân.

6. Tuyên truyền, phổ biến thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở

- Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tra tấn gắn với việc triển khai vận động nhân dân đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo tôn giáo, khu kinh tế tập trung, khu dân cư phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cán bộ, nhân dân; vận động gia đình và nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự ở khu dân cư; phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống am mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, cụ thể:

 Tổ chức thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 44 thôn thuộc 19 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền. Tại mỗi địa điểm truyền thông, đã giới thiệu, phổ biến nhiều nội dung pháp luật cơ bản, thiết yếu cho người dân, đặc biệt là pháp luật về trợ giúp pháp lý cho 1.306 lượt người tham gia và cấp phát miễn phí khoảng 51.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân. Ngoài ra, thông qua các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, Trung tâm cũng đã lồng ghép tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hơn 234 trường hợp vướng mắc pháp luật của người dân.

- Công tác tuyên truyền  phòng, chống tra tấn cũng được lồng ghép với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Thông qua đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tiếp, phổ biến, tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tra tấn của cán bộ và nhân dân.

Xây dựng 25 câu chuyện hòa giải về các lĩnh vực: An ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tác hại của thuốc lá, phòng, chống nạn tảo hôn, xây dựng, phòng, chống bạo lực gia đình; 6 tiểu phẩm pháp luật hòa giải các tranh chấp trong các lĩnh vực: An ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên. Chủ động phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là liên quan đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, mâu thuẫn gia đình…

7. Hoạt động tổ chức thực hiện Đề án 65 tại các huyện, thị xã, thành phố Huế

Các huyện, thị xã, thành phố Huế đều ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 65 tại địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên các hoạt động tổ chức thực hiện Đề án được tiến hành lồng ghép với các công tác khác tại địa phương, như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở, … Thông qua các hoạt động, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đã cơ bản được thông tin về mục đích, yêu cầu triển khai thực hiện Đề án; nắm bắt được những nội dung pháp luật cần thiết, phù hợp, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật.

8. Công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án

Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 11/01/2022 về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Qua báo cáo kết quả kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị và tự kiểm tra, các cơ quan, địa phương đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án 65 đồng thời nêu ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án trong thời gian tới. /.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày