Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống VBQPPL của tỉnh. Trên cơ sở đó các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.
Để tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao chất lượng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo VBQPPL.
Những kết quả đạt được
- Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL: tiếp tục được nâng cao chất lượng, giúp cho công tác quản lý nhà nước được thông suốt, hiệu quả; vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được đánh giá cao, các báo cáo thẩm định được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được xem là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý 282 dự thảo văn bản do các cơ quan Trung ương và các Sở, ban, ngành trưng cầu, trong đó có 109 dự thảo văn bản QPPL (tăng 9% so với năm 2021), đảm bảo thời gian và chất lượng góp ý; tiếp nhận và thực hiện thẩm định 97 dự thảo văn bản, trong đó có 02 đề nghị xây dựng Nghị quyết, 25 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; 66 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh do các Sở, ban, ngành gửi đến và 04 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh do Sở Tư pháp soạn thảo (giảm 20,5%).
- Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 gồm 72 văn bản (22 Nghị quyết, 50 Quyết định) và Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 gồm 70 văn bản (13 Nghị quyết và 57 Quyết định) [1].
Ban hành Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID gửi Bộ Tư pháp; Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật và các lĩnh vực khác do cơ quan Trung ương yêu cầu. Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo yêu cầu của của Bộ, ngành trung ương về chuyên đề, lĩnh vực có liên quan đến giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú, giao thông vận tải, thanh tra, công thương, ngân hàng, tài chính, giáo dục, y tế, công an, quốc phòng, ngoại giao, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và các lĩnh vực khác do cơ quan Trung ương yêu cầu.
- Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Thực hiện ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã thành lập 04 Đoàn Kiểm tra và thực hiện kiểm tra 106 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện Nam Đông, Phong Điền, A Lưới và thành phố Huế ban hành. Đã ban hành kết luận kiểm tra đối với 32 văn bản, phát hiện 01 văn bản trái pháp luật về nội dung[2]; 02 văn bản ban hành trái thẩm quyền[3] và 29 văn bản có sai sót thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.
Tại các huyện, thị xã, thành phố Huế đã tổ chức kiểm tra 146 văn bản QPPL; phát hiện 02 văn bản trái pháp luật về nội dung, trái thẩm quyền và 14 văn bản có sai sót thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.
Việc phát hiện các sai sót trên đã giúp cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm; đồng thời, quán triệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan thực hiện tham mưu có hiệu quả trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây xây dựng và ban hành VBQPPL còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như:
Một số trường hợp, chất lượng lập đề nghị, tài liệu gửi thẩm định chưa bảo đảm; hồ sơ chưa đầy đủ, trình tự thủ tục chưa thực hiện theo đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc tổ chức nghiên cứu và tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, đa phần các cơ quan đều nhất trí với nội dung dự thảo văn bản.
Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với tổ chức pháp chế trong công tác rà soát văn bản còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Để hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến đạt hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của sở, ban, ngành trong việc soạn thảo dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; thu thập thông tin; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết; mục tiêu đề ra phải sát thực tế và có tính khả thi cao; phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Cần chú trọng làm tốt việc tham vấn ý kiến nhân dân, ý kiến đối với đối tượng chịu sự tác động của chính sách thì văn bản khi ban hành mới đảm bảo tính khả thi; đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, các cơ quan được phân công chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh soạn thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết nên chủ động mời các Ban HĐND tham gia hội thảo hoặc tham gia ý kiến trước khi UBND tỉnh ký trình HĐND tỉnh để đảm bảo sự đồng thuận cao.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo nghị quyết của Sở Tư pháp bởi thẩm định là khâu vô cùng quan trọng giúp cho UBND, HĐND tỉnh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nội dung, hình thức của dự thảo văn bản trước khi ban hành. Để công tác thẩm định đạt hiệu quả, Sở Tư pháp nên tăng cường phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản; chủ động tham gia ý kiến đối với dự thảo trước khi các cơ quan soạn thảo gửi thẩm định, thông qua góp ý dự thảo, Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản, thể thức kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định pháp luật. Đối với dự thảo văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc có tính chất chuyên môn cao, có thể tổ chức họp tư vấn trao đổi, tham vấn ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan để báo cáo thẩm định hoàn thiện với các nội dung đảm bảo phù hợp với thực tế, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, các Ban HĐND chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết, cùng tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo; các hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Như vậy, sẽ giúp cho các thành viên các Ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Có thể nói, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản QPPL thuộc phạm vi của tỉnh ban hành đã điều chỉnh cơ bản của đời sống, kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Các văn bản ban hành được triển khai thực hiện với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới căn bản công tác xây dựng và thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh./.
[1] Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2021.
[2] Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 07/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tài nguyên và Môi trường;
[3] Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 07/7/2021 của UBND thành phố Huế ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố Huế, nhiệm kỳ 2021- 2026; Công văn số 669/UBND-VP ngày 21/6/2021 của UBND huyện A Lưới về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được ban hành theo hình thức.