Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 4.046.476
Truy cập hiện tại 2.590
Kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 30/11/2022

Năm 2022, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm, xảy ra, nắm được 537 vụ[1], so với năm 2019 (trước thời điểm trước dịch Covid-19) giảm 201 vụ, 27,24%, so với năm 2021 giảm 17 vụ[2], 3,07%; cơ cấu tội phạm không có đột biến, không để hình thành các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Tội phạm, tệ nạn ma tuý tiếp tục được tập trung đấu tranh mạnh, bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp; công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục được thực hiện chặt chẽ theo quy định của Luật phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, song còn gặp nhiều khó khăn, do cơ sở cai nghiện quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận đối tượng nghiện ở ngoài xã hội. Tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu phát hiện, xử lý quyết liệt, xảy ra chủ yếu trên các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai; buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế. Tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet được tập trung đấu tranh, xử lý nhiều hơn, song phương thức thủ đoạn của tội phạm thay đổi liên tục[3], gây ra nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh. Tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, chủ yếu là vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; riêng về tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép tài nguyên, khoáng sản, nhất là cát, sỏi, đất san lấp sau nhiều năm tổ chức kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, chế tài xử lý nghiêm[4] nên tình trạng khai thác trái phép giảm mạnh, chỉ xảy ra một số vụ nhỏ lẻ, được phát hiện, xử lý nghiêm.

Trước diễn biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai nhiều giải pháp, biện pháp, huy động sức mạnh hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng tham gia; tổ chức công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương để nâng cao công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, xử lý, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng gây án, ổn định dư luận trong nhân dân. Kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật như sau:

          Với mục tiêu kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành các chỉ thị, kế hoạch, văn bản đề ra các biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự; tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội... Qua đó, đã huy động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Triển khai Phương án xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mục tiêu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và các kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên các tuyến, địa bàn trọng điểm theo các chuyên đề, hệ loại đối tượng; tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm hoạt động theo ổ, nhóm, hoạt động lưu động (phát hiện, đấu tranh, triệt phá làm tan rã 20 nhóm tội phạm/155 đối tượng); đã điều tra, kết luận 498/537 vụ tội phạm về trật tự xã hội, đạt 92,74% (vượt 17,74% chỉ tiêu), trong đó án truy xét kết luận đạt 91,79% (436/475 vụ); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kết luận đạt 100% (41/41 vụ, vượt 10% chỉ tiêu). Do triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nên tội phạm về trật tự xã hội giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 (-27,23%); không để xảy ra tội phạm sử dụng vũ khí nóng, không để hình thành tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; trật tự, an toàn xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Phá 46 chuyên án, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, một số chuyên án nổi bật là: phá chuyên án 622T “Đấu tranh chống tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” làm rõ, bắt khởi tố 02 đối tượng thực hiện hành vi trộm 12 cây vàng và 20.300 USD (Tổng tài sản bị mất giá trị trên 1,2 tỷ đồng); chuyên án 722T “Đấu tranh, chống tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, làm rõ, bắt khởi tố 01 đối tượng (có 03 tiền án về tội Trộm cắp tài sản) thực hiện hành vi trộm 1,7 tỷ; chuyên án 922XĐiều tra truy xét nhóm đối tượng trộm cắp xe máy liên tỉnh”, làm rõ, bắt khởi tố 02 đối tượng (cả 02 đều có 03 tiền án) thực hiện hành vi trộm xe máy, đấu tranh 02 đối tượng khai nhận từ đầu tháng 9/2022 đến ngày 22/9/2022 đã thực hiện 09 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tăng cường đấu tranh với tội phạm liên quan đến cờ bạc, triệt xóa nhiều đường dây đánh bạc lớn, bắt hàng chục đối tượng tham gia, nhất là các vụ cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền đánh bạc hàng trăm tỷ đồng - phát hiện, đấu tranh, triệt xóa triệt xóa 96 tụ điểm/506 đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội đạt 181,13%. Thu giữ hơn 711 triệu đồng và một số công cụ, phương tiện, máy móc dùng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Xử lý hình sự 60 vụ/312 đối tượng, xử lý hành chính 34 vụ việc/178 đối tượng.

- Công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao, được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí đóng trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nâng cao ý thức cảnh giác cho cơ quan, tổ chức và người dân. Chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm các kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong việc lập các Facebook ảo để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh bạc. Phát hiện 47 vụ việc liên quan sử dụng công nghệ cao, vượt 11,9% chỉ tiêu của cả năm (47/42 vụ việc); trong đó: khởi tố 42 vụ/40 vụ, vượt 5% chỉ tiêu của cả năm; khởi tố 03 vụ/12 bị can phạm tội về lĩnh vực công nghệ thông tin mạng viễn thông (đạt 100% chỉ tiêu cả năm), đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo đấu tranh, phá chuyên án tội phạm Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, làm rõ 04 đối tượng có hành vi mua và quản lý trái phép khoảng 6,2 triệu thông tin cá nhân trên cả nước (trong đó, tại Thừa Thiên Huế có 75.685 thông tin dữ liệu cá nhân), thu lợi bất chính số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Xử lý 07 trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, phạt tiền hơn 34 triệu đồng.

- Công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy được tổ chức thực hiện hiệu quả theo hướng chuyển dịch của tội phạm và tệ nạn ma túy. Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đồng thời, triển khai thực hiện Đề án trong Công an tỉnh. Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt Phương án 02 của Bộ Công an và Phương án 3632 của C04 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên tại địa bàn tỉnh, không để ma túy thẩm lậu qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn; triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn từ ngoài vào địa bàn; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại địa bàn cơ sở (đường Trần Huy Liệu, TP Huế), không để tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp hơn. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Tham mưu chính quyền chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh phong trào toàn dân cảm hóa, giáo dục các đối tượng có tiền án về ma túy, đối tượng nghiện, tạo điều kiện giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính người nghiện, người sử dụng ma túy; đã lập hồ sơ đưa 40 trường hợp đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, đạt 100% (40/40) chỉ tiêu của cả năm. Đã phát hiện, xử lý hình sự 134 vụ/232 đối tượng, so với cùng kỳ năm 2021 phát hiện nhiều hơn 20 vụ (17,54%), đạt  100% chỉ tiêu của cả năm; trong đó, phá 17 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt 30 đối tượng[5], nổi bật là đã phá 02 chuyên án, bắt 02 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép hơn 20.000 viên ma túy tổng hợp; phát hiện, triệt xóa 16 điểm tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

- Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ tiếp tục được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm, vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, nhất là hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, y tế; tội phạm liên quan đến mua bán hóa đơn điện tử... Phát hiện 148 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, vượt 18,4% chỉ tiêu cả năm; trong đó: Bắt, xử lý hình sự 28 vụ/35 đối tượng phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, vượt 75% chỉ tiêu của cả năm; phát hiện, khởi tố 04 vụ/04 đối tượng tham ô tài sản, vượt 300% chỉ tiêu của cả năm về phát hiện, khởi tố; xử lý hành chính 112 vụ/112 trường hợp, phạt tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Phá 08 chuyên án, làm rõ 12 đối tượng[6], đặc biệt, đã phá chuyên án, khởi tố 01 vụ/02 bị can là Giám đốc và Kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vi phạm Quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyên án đấu tranh với tội phạm Mua bán trái phép hóa đơn, làm rõ, khởi tố 03 bị can đã mua bán trái phép 3.856 hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng trị giá gần 35 tỷ đồng.

Tiếp tục rà soát, đấu tranh đối với tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, phát hiện, xử lý hình sự 10 vụ/13 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, điển hình: phá chuyên án 122Đ bắt 02 đối tượng gồm Nguyễn Bá Hải (sinh năm 1986) và Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1993, cả 02 đối tượng đều trú tại tỉnh Thanh Hóa), các đối tượng đã cho người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay 6,6 tỷ đồng, số tiền thu lợi bất chính hơn 177 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức hơn 872 buổi tuyên truyền, phát trên loa, đài phát thanh tổng cộng hơn 6.291 lượt; chiếu hơn 32 lượt phóng sự và 67 bài viết đăng trên các trang báo thông báo những phương thức, thủ đoạn và hậu quả từ việc vay nặng lãi để cảnh báo cho Nhân dân; chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức 265 đợt ra quân bóc gỡ tờ rơi giới thiệu cho vay, quảng cáo vay không thế chấp dán ở các cột điện, tường nhà dân, thu gom hơn 16.552 tờ rơi tại các địa bàn công cộng.

- Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường được thực hiện hiệu quả. Tập trung tham mưu, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường. Chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, phát hiện 355 vụ, vượt 1,4% chỉ tiêu cả năm; xử lý hình sự 05 vụ/08 đối tượng[7]; xử lý hành chính 317 vụ/338 trường hợp, phạt tiền gần 3,4 tỉ đồng.

- Công tác bắt, vận động đối tượng truy nã được tập trung chỉ đạo thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chỉ đạo mở các đợt cao điểm rà soát, xác minh truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã; tập trung lực lượng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác truy nã, truy tìm; rà soát, bắt, vận động 13 đối tượng truy nã (trong đó, bắt 05/10  đối tượng truy nã trong nước,  bắt 08/10 đối tượng truy nã mới phát sinh); hiện toàn tỉnh còn 20 đối tượng./.

 


[1] Trộm cắp tài sản: 247 vụ; Cố ý gây thương tích: 102 vụ; Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc: 57 vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 33 vụ; Hủy hoại tài sản: 23 vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: 17 vụ; Cướp giật tài sản: 11 vụ; Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: 04 vụ; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 05 vụ; Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: 03 vụ; Giết người: 07 vụ; Cướp tài sản: 05 vụ; Hiếp dâm: 03 vụ; Cưỡng đoạt tài sản: 05 vụ; Chống người thi hành công vụ: 02 vụ; Chứa mại dâm: 01 vụ…

[2] Số liệu không tính các vụ Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

[3]Bên cạnh những phương thức thủ đoạn truyền thống như: chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo, viber; mua bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng; cho vay qua mạng; kêu gọi đầu tư tài chính online, tham gia các sàn giao dịch ngoại hối Forex, giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước; thông báo trúng thưởng, nhận hỗ trợ từ nước ngoài,…xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi như: sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tuyển CTV bán hàng tăng doanh số cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…; sử dụng tin nhắn Imessage để nhắn tin tuyển CTV làm việc tại nhà,… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[4]Mức phạt hành chính từ 20 đến 200 triệu đồng, phương tiện vi phạm bị tịch thu; nếu tái phạm, đối tượng bị xử lý hình sự.

[5] 09 chuyên án Tàng trữ trái phép chất ma túy - 18 đối tượng; 07 chuyên án Mua bán trái phép chất ma túy - 11 đối tượng; 01 chuyên án Vận chuyển trái phép chất ma túy - 01 đối tượng.

[6] 05 chuyên án Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 01 chuyên án tham ô tài sản; 01 chuyên án Mua bán trái phép hóa đơn; 01 chuyên án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

[7] 04 vụ/04 đối tượng hủy hoại nguồn lợi thủy sản; 01 vụ/04 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày