Theo đó, nhằm đạt mục tiêu 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; triển khai có hiệu quả để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trên 80% các xã có ít nhất 01 - 02 chương trình phát thanh/tuần về giảm nghèo bền vững trên Đài truyền thanh xã. Mỗi năm có ít nhất 100 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã/năm được tập huấn kiến thức và kỹ năng công tác giảm nghèo....Tại Kế hoạch đã đề ra những nội dung, giải pháp cụ thể gồm:
Về nội dung:
- Tập trung tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế Khóa XVI về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
- Truyền thông, thúc đẩy hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông; tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động xã hội, hội thảo, hội nghị; sản xuất các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử về kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và gương điển hình vươn lên thoát nghèo.
- Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; các hình thức sáng tạo như hội thi, trò chơi truyền hình, sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thôn, bản, xã, huyện thực hiện Chương trình.
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội cho người nghèo, hộ nghèo
- Xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên có năng lực, kỹ năng tuyên truyền tốt về giảm nghèo từ cấp tỉnh tới cơ sở. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; người làm công tác giảm nghèo
- Xây dựng, phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo nhằm phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực giảm nghèo; cung cấp thông tin tổng hợp về kết quả tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình; tuyên truyền các chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về giảm nghèo đến đông đảo người dân.
Về giải pháp
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông về Chương trình.
- Đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông; xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên thuyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình; thường xuyên nâng cấp, cập nhật các nội dung thông tin về Chương trình, chính sách giảm nghèo lên trang Thông tin điện tử về giảm nghèo của tỉnh.
- Nâng cao năng lực cán bộ các cấp về công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về Chương trình.
- Hằng năm, tổ chức giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác truyền thông về Chương trình ở một số địa phương, đơn vị; kịp thời phản ánh, đề xuất cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải quyết./.