Theo đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác ngoại giao kinh tế; qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế; phấn đấu đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực mạnh mẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh và các địa phương nói riêng. Tại Hướng dẫn đã đề ra những nội dung cần tuyên truyền như sau:
1. Tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác ngoại giao kinh tế; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai có hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; góp phần huy động các nguồn lực bên ngoài để tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế; phấn đấu đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực mạnh mẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh và các địa phương nói riêng.
2. Tình hình triển khai công tác ngoại giao kinh tế và những đóng góp của công tác ngoại giao kinh tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và việc phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế nói riêng.
3. Ý nghĩa, sự cần thiết ban hành Chỉ thị 15-CT/TW; những nội dung mới, giải pháp quan trọng trong Chỉ thị 15-CT/TW, nhất là những nội dung, giải pháp như:
- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
- Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Nâng tầm đối ngoại đa phương; tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, hài hòa với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác.
- Tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác; tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
- Hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả viện trợ của Việt Nam cung cấp cho nước ngoài.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tận dụng vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại - đầu tư.
- Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế; tăng cường gắn kết, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo thuận lợi cho công tác ngoại giao kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, quốc phòng - an ninh; giữa song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai ngoại giao kinh tế.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngoại giao kinh tế.
4. Thông tin, tuyên truyền, phản ánh tình hình triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
5. Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng công tác ngoại giao kinh tế để chia rẽ, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.