Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 8.936
CÁ NHÂN, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Ngày cập nhật 31/10/2022

I. CÁ NHÂN, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Theo quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây gọi chung là Luật Giám định tư pháp): Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

 Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.

Người giám định tư pháp theo vụ việc là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 18 và Điều 20 của Luật Giám định tư pháp, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là cơ quan, tổ chức đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Giám định tư pháp, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

1. Giám định viên tư pháp

Giám định viên tư pháp là người có đủ tiêu chuẩn, được người có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật.

1.1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp thì công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

- Có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên.

Người đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên.

- Người muốn bổ nhiệm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người muốn bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định theo hướng dẫn của Bộ Công an.

+ Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 thì: Chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định do Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc cơ sở đào tạo có Bộ môn Pháp y, Bộ môn Tâm thần cấp cho người tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định từ đủ 03 tháng trở lên theo chương trình đào tạo đã được Bộ Y tế phê duyệt (trừ trường hợp người có bằng hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y, pháp y tâm thần).

+ Theo hướng dẫn của Bộ Công an tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 5/8/2014 thì: Chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự do Viện Khoa học hình sự hoặc cơ quan Khoa  học hình sự ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập cấp.

1.2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp[1], hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm:

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị theo quy định của Luật Giám định tư pháp hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng đã bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp muốn thành lập Văn phòng giám định tư pháp[2].

- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm.

- Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp (người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp) [3].

- Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

- Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

- Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý lĩnh vực giám định[4].

1.3. Thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Khoản 1 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[5] quy định về thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp cụ thể như sau:

- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần hoạt động tại các cơ quan ở trung ương (kể cả giám định viên pháp y công tác trong lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân).

- Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương (kể cả giám định viên kỹ thuật hình sự công tác trong lực lượng Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[6]).

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý tại các cơ quan ở trung ương.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

1.4. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[7] quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp như sau:

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc bộ mình.

- Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[8] có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc bộ, ngành mình.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.

Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp.

 Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 8 của Luật Giám định tư pháp, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

1.5. Đăng tải danh sách giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Giám định tư pháp thì bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.

1.6. Những người không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp quy định những trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm:

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

1.7. Thẻ giám định viên tư pháp[9]

a) Đối tượng cấp mới thẻ giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[10], Điều 5 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp (Thông tư số 11/2020/TT-BTP), có 02 đối tượng được cấp mới thẻ giám định viên tư pháp gồm: i) Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021; ii) Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp trước ngày 01/01/2021[11] và không thuộc trường hợp miễn nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.

b) Cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021

Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP quy định về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021 như sau:

- Người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp kèm theo 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất) để phục vụ việc cấp thẻ. Thời hạn ra quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp.

Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp kèm theo hồ sơ được chuyển đến đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp, Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp[12].

c) Cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp trước ngày 01/01/2021

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì: Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, lập danh sách, hồ sơ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, lập danh sách, hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp. Hồ sơ đề nghị cấp mới thẻ giám định viên tư pháp gồm:

+ Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp hoặc Tờ trình của Sở Tư pháp về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp;

+ Danh sách giám định viên tư pháp được đề nghị cấp thẻ;

+ 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất) của giám định viên tư pháp.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp thẻ.

Đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp tiếp nhận quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp và thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp ở bộ, ngành hoặc địa phương mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp[13].

d) Phôi thẻ giám định viên tư pháp

Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP tổ chức in phôi thẻ để phục vụ việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý.

đ) Cấp lại thẻ giám định viên tư pháp

- Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì có 03 trường hợp được cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, gồm:

+ Thẻ đã được cấp bị mất;

+ Thẻ đã được cấp bị hỏng không thể sử dụng được;

+ Có sự thay đổi thông tin đã được ghi trên thẻ.

- Hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp

+ Đơn đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

Trường hợp thẻ bị mất hoặc có thay đổi nội dung ghi trên thẻ thì đơn đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị chủ quản. 

+ Thẻ giám định viên tư pháp đang sử dụng trong trường hợp có sự thay đổi thông tin đã được ghi trên thẻ; thẻ giám định viên tư pháp trong trường hợp thẻ cũ bị hỏng;

+ 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất) của người đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

- Thời hạn cấp lại thẻ giám định viên tư pháp

Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, có trách nhiệm trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP).

e) Số thẻ giám định viên tư pháp

Số thẻ  giám định viên tư pháp[14] bao gồm: Mã bộ, cơ quan ngang bộ, mã tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và 04 chữ số tiếp theo là số thứ tự của thẻ, được đánh liên tiếp từ số 0001 ghi bằng chữ số Ả Rập.

Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng giữ nguyên số thẻ đã được cấp trước.

Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp thay đổi nội dung thông tin ghi trên thẻ được đánh số mới theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP.

1.8. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp

a) Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp[15] thì các trường hợp sau đây bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

- Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp;

- Thuộc một trong các trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp (mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc);

- Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

- Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Giám định tư pháp (từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng; lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp; xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp).

- Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật[16];

- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp[17];

- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp[18].

Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động[19].

b) Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp

- Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp;

- Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp miễn nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.

c) Thẩm quyền miễn nhiệm giám định viên tư pháp

- Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.

- Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao[20] xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở trung ương trong lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.

d) Thời hạn xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

2. Người giám định tư pháp theo vụ việc

2.1. Tiêu chuẩn người giám định tư pháp theo vụ việc

Theo quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp thì: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên có thể được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc.

Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

2.2. Công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách, điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc

Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp[21], Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013[22], sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 85/2013/NĐ-CP) việc công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách, điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện như sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; đăng tải danh sách người giám định tư pháp trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp lập danh sách chung và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 của Luật Giám định tư pháp.

2.3. Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc

Người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Người giám định tư pháp theo vụ việc có quyền và nghĩa vụ như giám định viên tư pháp, trừ quyền thành lập Văn phòng giám định tư pháp; thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp.

2.4. Thông tin đăng tải về người giám định tư pháp theo vụ việc (khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP), gồm:

+ Họ và tên;

+ Ngày, tháng, năm sinh;

+ Nơi công tác hoặc nơi cư trú;

+ Lĩnh vực chuyên môn;

+ Kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và hoạt động giám định tư pháp.

Trong trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công bố thì bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh danh sách.

Người giám định tư pháp theo vụ việc đã được lựa chọn, lập và công bố trước ngày 01/01/2021, nếu còn đủ tiêu chuẩn thì được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

3. Tổ chức giám định tư pháp

3.1. Tổ chức giám định tư pháp về pháp y

a) Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế

- Viện pháp y quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[23]:

+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

+ Xây dựng quy trình[24],  quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y;

+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y đối với các tổ chức giám định pháp y trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế;

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;

+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Y tế;

+ Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y theo định kỳ hàng năm, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Viện pháp y quốc gia có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

b) Trung tâm pháp y cấp tỉnh

- Trung tâm pháp y cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[25]:

+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;

+ Báo cáo Sở Y tế, Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Trung tâm pháp y cấp tỉnh có Giám đốc, các Phó Giám đốc, do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm. Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm giám đốc, các Phó giám đốc được thông báo cho Sở Tư pháp.

c) Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng

- Viện pháp y quân đội có các chức năng, nhiệm vụ:[26]

+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;

+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Quốc phòng;

+ Tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức hoạt động giám định pháp y trong quân đội theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Viện pháp y quân đội có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

- Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, có các chức năng, nhiệm vụ[27]:

+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có Giám đốc, các Phó Giám đốc. Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Giám đốc, các Phó Giám đốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3.2. Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực tâm thần

a) Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế

- Viện Pháp y tâm thần Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[28]:

+ Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp tại địa bàn 19 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công[29], gồm: Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn và tỉnh Hòa Bình);

+ Xây dựng quy chuẩn giám định pháp y tâm thần trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y tâm thần;

+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y tâm thần đối với các tổ chức giám định pháp y tâm thần trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế.

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;

+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế;

+ Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y tâm thần theo định kỳ hàng năm; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y tâm thần;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

b) Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa

Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 1836/QĐ-TTg ngày 29/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng, nhiệm vụ[30]:

+ Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp tại địa bàn 10 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;

+ Quản lý, điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp y tâm thần cho các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ;

+ Phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn giám định pháp y tâm thần; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định pháp y tâm thần;

+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế;

+ Thực hiện công tác báo cáo thống kê về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

c) Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực

Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, có chức năng, nhiệm vụ:

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp theo địa bàn do Bộ Y tế phân công[31]:

+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Núi phía Bắc thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 9 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.

+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 07 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 03 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.

+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 07 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Đắc Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng.

+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 08 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang.

- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;

- Báo cáo Bộ Y tế về tổ chức, hoạt động giám định pháp y tâm thần, đồng thời gửi báo cáo về Viện Pháp y tâm thần Trung ương theo định kỳ hàng năm;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

d) Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Thành lập theo Quyết định số 2326/QĐ-BYT ngày 05/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

- Phân viện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương, chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung có tư cách pháp nhân, có con dấu tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định ban hành theo đề nghị của Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

3.3. Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự

a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an

- Chức năng, nhiệm vụ của Viện Khoa học hình sự:

+ Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự và pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

+ Xây dựng quy chuẩn giám định kỹ thuật hình sự trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật hình sự;

+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ kỹ thuật hình sự đối với các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự trong toàn quốc theo quy định của Bộ Công an.

+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự và pháp y;

+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về kỹ thuật hình sự và pháp y theo quy định của Bộ Công an;

+ Tổng kết, báo cáo Bộ Công an, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự; tổng kết, báo cáo Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động pháp y trong ngành công an theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi Viện pháp y quốc gia; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định kỹ thuật hình sự và pháp y;

+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Viện Khoa học hình sự có các Phân viện được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật hình sự:

- Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự;

- Báo cáo Công an tỉnh, Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự; báo cáo Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Viện pháp y quốc gia về giám định pháp y tử thi theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện Khoa học hình sự;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

c) Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng:

- Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;

- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự;

- Tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng về tổ chức, hoạt động kỹ thuật hình sự theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi báo cáo về Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

d) Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao[32]

Thực hiện giám định giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

3.4. Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là Văn phòng giám định tư pháp, do giám định viên tư pháp thành lập, hoạt động giám định ở 06 lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả.

a) Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp

Theo quy định tại Điều 15 Luật Giám định tư pháp thì giám định viên tư pháp có đủ các điều kiện sau đây được các điều kiện sau đây được thành lập Văn phòng giám định tư pháp:

- Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng[33];

- Có Đề án thành lập nêu rõ: mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện (điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Giám định tư pháp).

Lưu ý: Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

b) Hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp

Điều 16 Luật Giám định tư pháp quy định về hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp bao gồm:

- Đơn xin phép thành lập;

- Bản sao Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp;

- Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

- Đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp (Nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện).

c) Trình tự, thủ tục cấp phép thành lập, đăng ký hoạt động

- Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ, phối hợp, thống nhất ý kiến với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập VP GĐTP trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ. Trường hợp không cho phép thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Ngườì bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cho phép thành lập. Văn phòng giám định tư pháp không đăng ký hoạt động trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày cho phép thành lập thì Quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp hết hiệu lực. Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

 - Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

- Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp (khoản 2 Điều 14 Luật Giám định tư pháp).

3.5. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

a) Điều kiện công nhận là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

- Có tư cách pháp nhân;

- Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định;

- Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.

b) Phạm vi thực hiện giám định của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện giám định tư pháp.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định.

c) Công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách tổ chức giám giám định tư pháp theo vụ việc

Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp[34], Điều 23 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp[35] thì:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và đăng tải danh sách trên cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; ra quyết định hủy bỏ công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp.

d) Thông tin đăng tải về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, thông tin đăng tải về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gồm:

- Tên tổ chức;

- Số, ngày, tháng, năm thành lập;

- Địa chỉ tổ chức;

- Lĩnh vực chuyên môn;

- Kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và hoạt động giám định tư pháp.

Trong trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã được công bố thì bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh danh sách.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn

- Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp và hướng dẫn thi hành các văn bản đó.

Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch phát triển chung về giám định tư pháp; phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển theo từng lĩnh vực giám định tư pháp.

- Có ý kiến bằng văn bản về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong trường hợp cần thiết, đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

- Xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp; phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp.

- Tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

- Đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; báo cáo Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi toàn quốc.

- Chủ trì hoặc đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

- Thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về giám định tư pháp.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

a) Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp

- Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;

- Ban hành quy trình giám định; ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; căn cứ yêu cầu và tính chất đặc thù của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý quy định cụ thể về thời hạn đối với từng loại việc giám định;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quyết định thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Luật Giám định tư pháp; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo thẩm quyền; công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;

- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý;

- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp;

- Quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;

- Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Giám định tư pháp;

- Thực hiện hợp tác quốc tế về giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;

- Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ[36]

- Xây dựng quy trình giám định đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp ban hành theo thẩm quyền;

- Công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; hằng năm, tổng kết, gửi Bộ Tư pháp báo cáo về hoạt động giám định tư pháp của cơ quan mình;

- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý;

- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp;

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế

- Quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;

- Ban hành quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;

- Quy định cụ thể tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần;

- Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp.

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an

- Quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;

- Ban hành quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;

- Quy định cụ thể tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự;

- Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp;

- Ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;

- Hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp;

- Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả chi phí giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;

- Hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi bộ, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo Công an cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở địa phương;

- Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

- Thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;

- Hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp;

- Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả chi phí giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;

- Hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp về tình hình trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

a) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập; quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp[37] theo thẩm quyền; công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;

- Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý;

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở địa phương;

- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của Chính phủ, kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp và báo cáo kết quả cho Bộ Tư pháp;

- Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Giám định tư pháp;

- Báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, đồng thời gửi bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định[38].

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp

Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương, có các nhiệm vụ và quyền hạn[39]:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

- Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp ở địa phương;

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y;

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương;

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương;

- Hàng năm, chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp ở địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh các giải pháp để bảo đảm số lượng, chất lượng của đội ngũ người giám định tư pháp đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng ở địa phương;

- Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền;

- Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

- Tổ chức in phôi thẻ giám định viên tư pháp; tiếp nhận quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp; thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp thẻ ở địa phương mình[40].

 c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý.

Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn[41]:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương;

- Lập dự toán kinh phí hoạt động cho tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc mình quản lý;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp ở địa phương;

- Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

- Hàng năm, báo cáo Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn về giám định tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình ở địa phương; đồng thời gửi báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp chung;

- Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn Trung tâm pháp y cấp tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thuộc phạm vi quản lý.

4. Trách nhiệm của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

- Hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

- Ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan; chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở địa phương.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp.

- Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp và chi phí tham dự phiên tòa của người giám định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định việc bố trí vị trí của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đăng tải và cập nhật danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý; hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp; trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

III. CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

1. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện

- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (thay thế Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2013). 

- Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND ngày 25/12/2020 và Công văn số 3226/UBND-TĐKT ngày 20/4/2021 hướng dẫn các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

- Trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu hướng dẫn  nghiệp vụ liên quan[42].

2. Kết quả triển khai các nhiệm vụ

Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 250 và các cơ quan, đơn vị đã tham mưu triển khai các nhiệm vụ như sau:

a) Về hoàn thiện thể chế  

- Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, các Bộ, ngành Trung ương xây dựng các dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực chuyên ngành. Theo đó, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp tham gia góp ý 03 dự thảo Thông tư[43], góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.

- Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân dân tỉnh giao Sở tư pháp thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp do địa phương ban hành. Theo đó, có 06 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến giám định tư pháp[44]; 01 văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh[45].

b) Triển khai Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250)

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 250 tham mưu đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án 250 giai đoạn 2019-2020, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 (Báo cáo số 504/BC-STP ngày 22/3/2021).

- Ban Chỉ đạo Đề án 250 xây dựng Kế hoạch số 532/KH-BCĐĐA ngày 26/3/2021 để triển khai các nhiệm vụ trong năm 2021.

- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 2944/QĐ-UBND ngày 19/11/2020 củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án 250 với 15 thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban.

- Ban Chỉ đạo Đề án 250 ban hành Quyết định số 10/QĐ-BCĐGĐTP ngày 03/02/2021 kiện toàn Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 250 với 15 thành viên là lãnh đạo phòng, chuyên viên các phòng, ban thuộc các sở, ban, ngành.

 - Để đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và tình hình thực hiện nhiệm vụ Đề án 250, Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp để bàn các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

c) Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh 

- Tổ chức giám định tư pháp

Ngày 15/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND công nhận 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc 03 lĩnh vực: Đo lường; điều tra cơ bản tài nguyên rừng, quy hoạch, khảo sát, đo đạc, thiết kế rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp và thực hiện các dịch vụ tư vấn về lâm nghiệp;xây dựng (Quyết định này bãi bỏ các quyết định về việc công bố tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã ban hành trước đây[46]).

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2530/QD-UBND ngày 11/10/2021 sáp nhập 02 đơn vị là Trung tâm giám định pháp y tỉnh với Trung tâm giám định y khoa có tên gọi là Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền Trung, trực thuộc Bộ Tư pháp) và 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc[47].

- Người giám định tư pháp

Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp đối với 02 trường hợp[48] (thuộc lĩnh vực giám định pháp y), miễn nhiệm 01 giám định viên pháp y[49]. Quyết đinh cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với 15 giám định viên được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2021[50].

Đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 71 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực, cụ thể: 07 giám định viên pháp y; 07 giám định viên pháp y tâm thần; 17 giám định viên kỹ thuật hình sự; 08 giám định viên lĩnh vực thông tin – truyền thông; 18 giám định viên lĩnh vực tài chính – kế toán; 03 giám định viên lĩnh vực văn hóa; 08 giám định viên lĩnh vực nông nghiệp; 01 giám định viên lĩnh vực xây dựng; 02 giám định viên môi trường.

Đối với giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các lĩnh vực là 19 người: xây dựng (5 người), tài chính (1 người), điện năng (1 người), kỹ thuật an toàn công nghiệp (01 người), sở hữu công nghiệp (01 người), Quyền tác giả, quyền liên quan (02 người), Sản phẩm văn hóa (01 người), Di vật, cổ vật (02 người), Đo đạc Bản đồ và viễn thám (01 người), môi trường (01 người), đất đai (01 người), địa chất, khoáng sản và tài nguyên nước (01 người), biển đảo và đầm phá (01 người).

- Củng cố, tăng cường năng lực cho đội ngũ người giám định tư pháp

+ Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách cho Bộ Tư pháp theo quy định.

+ Nhằm tăng cường lực lượng giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 2311/STP-BTTP ngày 01/12/2021 đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương theo quy định tại Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ).

+ Để bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên tư pháp, Công an tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật liên quan bằng hình thức trực tuyến từ Công an tỉnh đến Công an các địa phương (Sở Tư pháp phối hợp tham gia báo cáo chuyên đề về Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp).

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh cử 02 cán bộ đào tạo các lĩnh vực giám định ma túy và giám định sinh học (mở rộng năng lực giám định dấu vết lông tóc, vải sợi tại Phân Viện Khoa học hình sự tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an; 06 lượt cán bộ tập huấn nghiệp vụ giám định Pháp y theo hình thức trực tuyến do Viện pháp y Quốc gia, Bộ Y tế tổ chức.

- Cơ sở vật chất

Về cơ bản, các tổ chức giám định tư pháp công lập bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công việc.

 + Tổ Giám định pháp y thuộc phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh có trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đối với nhiệm vụ được phân công là giám định tử thi.

+ Đối với Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y, có trụ sở làm việc khang trang, tuy nhiên các phòng đều không bố trí lắp đặt điều hòa, đặc biệt là các phòng có bố trí máy móc, trang thiết bị. Phòng Lưu hồ sơ không có thông gió, chưa bố trí các kệ để tài liệu, sắp xếp chưa khoa học. Trang thiết bị phục vụ công tác giám định thiếu nhiều theo quy định; một số trang thiết bị hiện có cũng đã cũ, không đáp ứng về kiểm soát nhiễm khuẩn (bàn khám giám định tình dục)[51].

+ Phương tiện nghiệp vụ phục vụ công tác giám định thuộc các lĩnh vực khác tại phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh mang tính đặc thù chủ yếu do Bộ Công an trang cấp từ năm 2003, một số phương tiện đã hư hỏng, sửa chữa nhiều lần, một số xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu kịp thời trong phục vụ điều tra, truy tố, xét xử của Công an các đơn vị, địa phương. Năm 2021, thực hiện Đề án 250, được trang bị phương tiện phục vụ triển khai giám định lông, tóc, vải sợ tại đơn vị; 01 kính hiển vi soi nổi phục vụ công tác giám định dấu vết cơ học (thay thế kính hiển vi soi nổi SMZ1000 được trang cấp từ năm 2002 đến nay đã hỏng).

 + Phần lớn giám định viên của các ngành chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác giám định, chủ yếu sử dụng trang thiết bị của đơn vị.

- Kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp

+ Ban Chỉ đạo Đề án 250 ban hành Kế hoạch số 1329/KH-STP ngày 20/7/2021 và tổ chức thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại Sở Y tế[52].

+ Cơ quan chuyên môn thực hiện giải quyết 01 trường hợp tố cáo trong giám định pháp y.

+ Cục Khám bệnh, chữa bệnh - Bộ Y tế phối hợp với Viện Pháp y Quốc gia và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tổ chức kiểm tra, chỉ đạo tuyến công tác pháp y Huế vào ngày 05/11/2021 và đã có Công văn số 1485/KCB-PHCN&GĐ ngày 18/11/2021 của Cục Khám bệnh, chữa bệnh - Bộ Y tế về việc kết quả kiểm tra, chỉ đạo tuyến công tác pháp y Huế.

- Kết quả giám định tư pháp

Nhìn chung, trong quá trình giám định, các tổ chức giám định và người giám định tư pháp thực hiện đúng quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật liên quan. Năm 2021, các tổ chức giám định tư pháp thực hiện 1.430 vụ việc giám định tư pháp theo trưng cầu của của cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu của người yêu cầu giám định, yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác, cụ thể như sau:

+ Trung tâm pháp y: 786 vụ giám định pháp y (774 vụ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; 12 vụ theo yêu cầu của người yêu cầu giám định).

+ Phòng Kỹ thuật hình sự: 605 vụ (theo trưng cầu của cơ qan tiến hành tố tụng: 88 vụ về pháp y, 509 vụ về kỹ thuật hình sự; theo yêu cầu của người yêu cầu giám định: 12 vụ về pháp y).

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 16 vụ (theo trưng cầu của cơ qan tiến hành tố tụng).

+ Sở Văn hóa và Thể thao: 02 vụ (theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng).

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: 02 vụ (theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng).

+ Sở Khoa học và Công nghệ: 19 vụ (theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng).

Ngoài ra, từ ngày 01/6/2021, phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh triển khai giám định lông tóc, vải sợi tại Phòng PC09, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

a) Khó khăn, hạn chế

- Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp có lúc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ yếu giao Thanh tra Sở làm đầu mối kiêm nhiệm công tác quản lý công tác giám định tư pháp.

- Đội ngũ giám định viên tư pháp tuy có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng hạn chế về kỹ năng, kiến thức pháp luật.

- Thiếu người giám định tư pháp chuyên sâu trong một số lĩnh vực (kim loại, bạc trang sức mỹ nghệ, ...).

- Một số cơ quan chuyên môn từ chối trưng cầu giám định do không đủ năng lực, điều kiện cần thiết (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối giám định 02 vụ do Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu đối với đối tượng giám định là động vật đã chết và bộ phận cơ thể của động vật; Sở Công Thương từ chối trưng cầu giám định điện áp do Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu,...); các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, khi có trưng cầu giám định thì hầu hết đều đưa ra lý do từ chối nên khó khăn cho công tác giám định.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định tư pháp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Công tác xã hội hóa giám định tư pháp được đẩy mạnh để thu hút các tổ chức chuyên môn và chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp; khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có đủ điều kiện và có nguyện vọng thành lập các Văn phòng giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật giám định tư pháp chưa đạt kết quả.

b) Nguyên nhân

* Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác giám định tư pháp chưa đúng, chưa đầy đủ.

- Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tại một số cơ quan thiếu kinh nghiệm trong công tác này do luân chuyển vị trí công tác hoặc kiêm nhiệm nên chưa có sự chuyên sâu.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và cơ quan tố tụng chưa chặt chẽ.

* Nguyên nhân khách quan

- Giám định tư pháp là lĩnh vực khó, phức tạp nên việc thu hút nguồn nhân lực và việc xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

- Thiếu các quy định về mặt thể chế để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước nói chung và Đề án 250 nói riêng: Chế độ hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký Đề án 250; các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp,...

- Quy định về thẩm quyền quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương thiếu thống nhất giữa Luật Giám định Tư pháp (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 157/2020/NĐ-CP)[53].

- Nguồn kinh phí bố trí cho công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trang thiết bị trong lĩnh vực giám định tư pháp mang tính đặc thù, giá thành cao nên việc trang cấp đầy đủ, bảo đảm cho hoạt động giám định còn hạn chế.

3. Một số giải pháp trọng tâm

- Quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp và hoạt động giám định tư pháp.

Kết hợp công tác quán triệt với tăng cường thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức, biện pháp để truyền tải các quy định pháp luật về giám định tư pháp đến với cán bộ, người dân.

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện về mặt cơ chế đảm bảo cho công tác giám định tư pháp.

- Tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Đề án 250 trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 250 đồng bộ, hiệu quả.

- Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập, người giám định tư pháp theo vụ việc.

Tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giám định viên tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

- Căn cứ vào tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, hàng năm đánh giá chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương.

- Chú trọng thanh tra, kiểm tra về công tác giám định tư pháp.

- Về cơ chế: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về kinh phí đối với hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Đề án 250 cũng như công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp; quy định chế độ phụ cấp đối với giám định viên kiêm nhiệm.

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ sớm xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 /7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ) để triển khai thực hiện.

- Có giải pháp yêu cầu, khuyến khích các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tích cực thực hiện giám định tư pháp khi có trưng cầu nếu đáp ứng đủ điều kiện.

- Xem xét, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương để thực hiện thống nhất.

- Kiến nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương tổ chức tập huấn chuyên sâu về giám định tư pháp cho đội ngũ giám định viên tư pháp.

- Kiến nghị cơ quan Trung ương quan tâm đầu tư, trang cấp vật tư, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho các tổ chức giám định tư pháp trong hệ thống thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.  

 


[1]. Khoản 4 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.

[2]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[3]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[4]. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Giám định tư pháp thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quy định chi tiết tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

[5]. khoản 5 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.

[6]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[7]. Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.

[8]. Bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[9]. Bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[10]. Bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.

[11]. Ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực.

[12]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại điểm b, khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 6/4/2021 thì: Đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp tiếp nhận quyết cấp thẻ và thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp ở bộ, ngành hoặc địa phương mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp.

 

[13]. Quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và hướng dẫn của Bộ tư pháp tại điểm b khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 6/4/2021 của Bộ Tư pháp.

[14]. Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP.

[15]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[16]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[17]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[18]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[19]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[20]. Bổ sung theo quy định tại điểm 3 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[21]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

[22]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

[23]. Quy định tại Điều 3 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.

[24]. Bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.

[25]. Quy định tại Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ.

[26]. Quy định tại Điều 5 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ.

[27]. Quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.

[28]. Quy định tại Điều 7 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.

[29]. Quyết định số 5151/QĐ-BYT ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

[30]. Quyết định số 5566/QĐ-BYT ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

[31]. Quyết định số 5151/QĐ-BYT ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

[32]. Bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[33]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[34]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[35]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

[36]. Quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.

[37]. Bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

[38]. Quy định tại các điều 40, 41 và Điều 42 của Luật Giám định tư pháp.

[39]. Quy định tại định tại khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.

[40]. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại điểm b khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 06/4/2021.

[41]. Theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một sô điều của Luật Giám định tư pháp và quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.

 

[42] Công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế (Công văn số 142/STP-BTTP ngày 20/01/2021); bổ nhiệm giám định viên pháp y (Công văn số 993/STP-BTTP ngày 03/6/2021); miễn nhiệm, bổ nhiệm người giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa (Công văn số 1781/STP-BTTP ngày 23/9/2021); hướng dẫn tiến hành giám định liên quan đến điện (Công văn số 1816/STP-BTTP ngày 28/9/2021),...

[43] Dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; trong lĩnh vực xây dựng; trong lĩnh vực tài chính.

[44] (1) Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 Quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế; (12) Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 Quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; (3) Chỉ thị số 14/2013/CT-UBND ngày 25/4/2013 Về việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp; (4) Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; (5) Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 22/02/2017 Quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế; (6) Quyết định số 76/2019/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 Ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

[45] Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

[46] Các Quyết định bị bãi bỏ: Quyết định số 1950/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố bổ sung danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ viêc trên địa bàn tỉnh.

[47] Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Trung Trung bộ; Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn giao thông Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trí Huy; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.

[48] Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 07/5/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Trung tâm pháp y - Sở Y tế; Quyết định số 1769/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp đối với ông Nguyễn Hữu Phong, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

[49] Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 miễn nhiệm giám định viên pháp y đối với ông Lê Nhị Chương, cán bộ phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đã nghỉ hưu theo chế độ.

[50] Quyết định số 2130/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

[51] Công văn số 1485/KCB-PHCN&GĐ ngày 18/11/2021 của Cục Khám bệnh, chữa bệnh – Bộ Y tế về việc kết quả kiểm tra, chỉ đạo tuyến công tác pháp y Huế.

[52] Báo cáo số 2026/BC-STP ngày 26/10/2021 của Sở Tư pháp về kết quả kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 250 tại Sở Y tế.

 

[53] Khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 43 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 157/2020/NĐ-CP) quy định thẩm quyền công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, điểm e khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 157/2020/NĐ-CP) quy định cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày