Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 4.046.476
Truy cập hiện tại 7.731
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 17/10/2022

Ngày 05 tháng 10 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có biển tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng, trình phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (sau khi Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế; định kỳ hàng năm, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển (gọi tắt là Nghị định 11/2021/NĐ-CP); Thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển; quản lý việc sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Ban hành quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh sau khi Hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh được thiết lập xong.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, lưu trữ hồ sơ tài nguyên đảo Sơn Chà sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; định kỳ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường đảo, cập nhật hồ sơ tài nguyên đảo Sơn Chà theo đúng quy định.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương ven biển tổ chức các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới và các hoạt động truyền thông khác liên quan về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên phạm vi toàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển.

- Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển; quản lý việc nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, đề xuất trang thiết bị cần thiết phục vụ nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, đầm phá trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sỡ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của tỉnh.

- Định kỳ hàng năm, phối hợp với các Sở, ban ngành, các địa phương ven biển thực hiện báo cáo công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời gian quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó chú trọng là phát triển bền vững kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP và các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; ưu tiên kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

3. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao cho địa phương tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP, Kế hoạch số 156/KH-UBND và các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

4. Các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có biển

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

- Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện tốt việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển hải đảo trên địa bàn; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương.

- Chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; trước ngày 30/11 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo chưa khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới; Thực hiện tuyên truyền về biển và hải đảo; Phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 11/2021/NĐ-CP đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện theo đúng quy định.

- Trước khi lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án có sử dụng khu vực biển cần tuân thủ pháp luật đầu tư và pháp luật giao khu vực biển để thống nhất về tọa độ, ranh giới, diện tích khu vực biển nơi dự kiến khai thác, sử dụng tài nguyên biển nhằm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh theo quy định khoản 1 Điều 42 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (“Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển có trách nhiệm lấy ý kiến và thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển quy định tại Điều 8 Nghị định này về vị trí, tọa độ, ranh giới, diện tích khu vực biển nơi dự kiến khai thác, sử dụng tài nguyên biển và các vấn đề khác có liên quan”). Trường hợp cần thiết tiến hành rà soát các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép để xác định diện tích khu vực biển sử dụng cụ thể, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển và có sự thống nhất về diện tích khu vực biển của dự án giữa các văn bản gồm: quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định giao khu vực biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày