Theo đó, Tuần lễ nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời (HTSĐ); tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ HTSĐ, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Trong năm 2022, chủ đề của Tuần lễ là Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID -19. Tuần lễ được tổ chức từ ngày 01/10/2022 đến ngày 07/10/2022, trong đó Lễ khai mạc Tuần lễ được tổ chức vào ngày 01/10/2022.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2022 với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa các nền tảng số, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo với một số hoạt động như:
- Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho mọi người. Treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở giáo dục, các công xưởng, nhà máy, văn phòng, cơ quan và nơi công cộng; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ đề và các hoạt động của Tuần lễ để người dân biết và tham gia.
- Tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp có liên quan; đại diện các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, các cơ quan thông tin đại chúng; đại diện của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các hoạt động của Tuần lễ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm lan tỏa thông điệp và đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
- Triển khai các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học và hoạt động thư viện; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích, tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc, nghiên cứu khoa học,… góp phần từng bước phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học.
- Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các tổ chức, cơ sở giáo dục triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn; xây dựng và phát triển các ứng dụng, trò chơi miễn phí có tính giáo dục kết hợp giải trí lành mạnh để tạo sân chơi hữu ích cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
- Các trường Đại học, Trường Cao đẳng sư phạm tăng cường cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác); liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để phục vụ nhu cầu HTSĐ của người dân.
- Các cơ quan báo hình, báo điện tử tổ chức các sân chơi, diễn đàn, cuộc thi có chủ đề về cộng đồng số, công dân số giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu về các kỹ năng và năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số và toàn cầu hoá; khuyến khích người dân và các cộng đồng tích cực tham gia, tự đọc, ghi âm, ghi hình đóng góp, chia sẻ, dự thi.