Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 1.244
KẾT QUẢ 05 NĂM TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 08/06/2022

Qua 05 năm triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được những kêt quả tích cực, phát huy vai trò, ý nghĩa của hoạt động đấu giá tài sản trong bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.

 

1. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản

Nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định số 410/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 15/5/2017 về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản cho các đối tượng có liên quan, hằng năm tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề cho các đấu giá viên, cơ quan, tổ chức có tài sản mà theo quy định của pháp luật phải bán thông qua hình thức đấu giá; các Sở, ngành, địa phương đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức phù hợp.

Các cơ quan đã thực hiện rà soát văn bản để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Trong 05 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định liên quan đến hoạt động đấu giá, cụ thể: Quyết định số 78/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bãi bỏ Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Bãi bỏ Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ở do nhà nước quản lý để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế); Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ủy ban nhân dân tỉnh với vai trò là người có tài sản đấu giá, đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá thực hiện đăng tải lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, giám sát chặt chẽ tổ chức đấu giá tài sản trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá sau khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Các cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá và cơ quan, tổ chức được giao tổ chức thực hiện đấu giá tài sản căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương được chú trọng, thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm các thủ tục hành chính theo quy định; việc chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc thành lập mới doanh nghiệp đấu giá tài sản đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật đấu giá tài sản trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 01/7/2017 được thực hiện nghiêm túc (kết quả có 01 doanh nghiệp đấu giá thực hiện việc chuyển đổi, 01 doanh nghiệp đấu giá và 03 Chi nhánh thực hiện chấm dứt hoạt động). Từ năm 2017 đến hết năm 2021, Sở Tư pháp đã tiến hành 02 cuộc thanh tra và 05 cuộc kiểm tra tại các tổ chức đấu giá tài sản. Năm 2019, Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp thực hiện thanh tra chuyên ngành lĩnh vực đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh và đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 33.500.000 đối với 02 tổ chức đấu giá tài sản về các hành vi: Sử dụng Biên bản đấu giá tài sản không đúng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BTP; niêm yết thông báo công khai việc bán đấu giá không đúng theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 35 Luật đấu giá tài sản; sử dụng Sổ đăng ký đấu giá tài sản và Sổ theo dõi tài sản đấu giá tài sản không đúng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BTP.

Năm 2017 có 06 tổ chức đấu giá tài sản với 19 đấu giá viên hành nghề (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản: 07 đấu giá viên, 02 doanh nghiệp đấu giá tài sản: 06 đấu giá viên và 03 chi nhánh: 06 đấu giá viên). Tính đến ngày 31/12/2021, có 04 tổ chức đấu giá tài sản với 12 đấu giá viên (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh: 04 đấu giá viên, Công ty đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị: 04 đấu giá viên, Công ty đấu giá hợp danh số 2 STC: 03 đấu giá viên, Công ty đấu giá hợp danh An Minh: 01 đấu giá viên). Trong đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản hiện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 11/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp giai đoạn 2022-2025. Đội ngũ đấu giá viên đều đã qua đào tạo nghề; có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Các tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên hoạt động đấu giá tài sản đảm bảo quy định của Luật Đấu giá tài sản, các văn bản quy định chi tiết thi hành, quy định pháp luật có liên quan và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Từ năm 2017 đến năm 2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 2.253 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá bán tương đối lớn, năm sau tăng cao hơn năm trước (Giá chênh lệch năm 2017: 138 tỷ đồng, năm 2018: 364 tỷ đồng, năm 2019: 581 tỷ đồng, năm 2020: 703 tỷ đồng, năm 2021: 866 tỷ đồng); không có trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá. Tổng thù lao dịch vụ đấu giá thu được và số tiền nộp thuế vào ngân sách Nhà nước từ năm 2017 đến năm 2021 tăng (năm 2017: 209 triệu đồng, năm 2018: 502 triệu đồng, năm 2019: 808 triệu đồng, năm 2020: 527 triệu đồng, năm 2021: 1.061 triệu đồng).  

 2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác đấu giá tài sản

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, phát sinh những bất cập như sau:

- Về thời gian đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước: Khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá hai ngày. Đồng thời tại khoản 2 Điều 39 Luật quy định tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn ba ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Với các quy định như trên, khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào hai ngày sau nên phát sinh tình trạng nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau, sau đó chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá. Vì vậy, cần sửa đổi quy định trên theo hướng thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước phải cùng thời hạn trước ngày mở cuộc đấu giá.

- Về các trường hợp xử lý tiền đặt trước: Điểm a Khoản 6 Điều 39 Luật quy định: Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng”. Tuy nhiên, đối với hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, người tham gia đấu giá đến tham dự cuộc đấu giá nhưng không tham gia trả giá; đối với hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp thì trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không bỏ phiếu trả giá mà vẫn tham gia buổi công bố giá thì pháp luật chưa có quy định đối với trường hợp này có được coi là không tham gia cuộc đấu giá hay không và có bị xử lý tiền đặt trước hay không. Từ thực tiễn đó, kiến nghị quy định rõ các trường hợp trên được xem là không tham gia cuộc đấu giá và không được nhận lại tiền đặt trước.

- Việc thu tiền đặt trước: Khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định, “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá”. Quy định khung tiền đặt trước khung quá rộng nên việc áp dụng thiếu thống nhất. Để khắc phục bất cập này, cần điều chỉnh khoảng cách mức thu tối thiểu và tối đa của tiền đặt trước, đồng thời nâng cao mức thu tiền đặt trước.

- Khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xa các ngân hàng thương mại, việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc người dân đi nộp tiền và nhận lại tiền đặt trước tại ngân hàng. Đối với trường hợp này, cần quy định cho phép người đăng ký tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản.

- Về quy định lựa chọn Tổ chức đấu giá tài sản: Điều 56 quy định Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản nhưng không quy định thời gian thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Do vậy dẫn đến trường hợp người có tài sản thông báo thời gian lựa chọn tổ chức đấu giá rất ngắn nên các tổ chức đấu giá không kịp đăng ký thực hiện, dẫn đến sự hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá. Do đó, cần bổ sung quy định thời gian cụ thể thực hiện thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

- Về quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện: Luật Đấu giá tài sản chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức đấu giá tài sản; chưa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong quản lý, theo dõi hoạt động của Văn phòng đại diện đóng trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, cần bổ sung quy định theo hướng Sở Tư pháp nơi Văn phòng đại diện của tổ chức đấu giá tài sản thành lập có chức năng kiểm tra, theo dõi hoạt động của Văn phòng đại diện và xử lý vi phạm (nếu có).

Ngoài những bất cập xuất phát từ cơ chế, trong tổ chức thi  hành Luật Đấu giá tài sản tại Thừa Thiên Huế có những vướng mắc: Cơ cấu, tổ chức của các doanh nghiệp đấu giá tài sản vẫn còn tương đối nhỏ lẻ (hầu hết chỉ có từ 01 - 04 đấu giá viên/tổ chức) cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh nghiệm chưa đồng đều, các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung chủ yếu tại thành phố Huế. Các loại tài sản được bán chưa thật sự đa dạng, chủ yếu tập trung vào tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án và tài sản bảo đảm. Việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá trong một số trường hợp gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người trúng đấu giá tài sản. Một số tổ chức có tài sản đấu giá chưa thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật đấu giá tài sản. Chưa có tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên. Các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tại địa phương chưa xây dựng Đề án triển khai hình thức đấu giá trực tuyến. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá, tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản, tham dự cuộc đấu giá để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm.Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đấu giá tài sản xây dựng Đề án và triển khai hình thức đấu giá trực tuyến, thực hiện thí điểm đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, nhất là việc đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày