Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.870.365
Truy cập hiện tại 6.401
Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 29/12/2021

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 3393/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12  năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Đề án, hoạt động công chứng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, kịp thời đáp ứng nhu cầu công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi ký kết hợp đồng, giao dịch; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về công chứng ngày càng đi vào nề nếp và được tăng cường. Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công chứng (Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 18/11/2014 về triển khai thi hành Luật công chứng trên địa bàn tỉnh; hơn 40 văn bản hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc,..); tuyên truyền, phổ biến nội dung, tinh thần, ý nghĩa của Luật Công chứng và các quy định pháp luật liên quan đến công chứng để cán bộ, người dân nhận thức đúng, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công chứng, nghề công chứng (5 hội nghị, hội thảo; 23 tin, bài, giải đáp pháp luật về công chứng đăng trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp ); tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghề công chứng; quan tâm đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,...

Thực hiện Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, đặc biệt là công tác xã hội hóa hoạt động công chứng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 tổ chức hành nghề công chứng và 25 công chứng viên đang hành nghề, 30 người đã hoàn thành tập sự nghề công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu về công chứng của cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế thị trường. Năm 2015 các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 16.793 hợp đồng, giao dịch; đến năm 2019 đã thực hiện 32.134 hợp đồng giao dịch (tăng 91%); năm 2020 thực hiện 28.577 hợp đồng, giao dịch; 6 tháng đầu năm 2021 là 22.525 công chứng hợp đồng, giao dịch.

 Hoạt động công chứng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã giảm được gánh nặng biên chế và chi ngân sách của Nhà nước. Nhìn chung, nhu cầu của xã hội về công chứng ngày tăng cao. Dự báo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 20 tổ chức hành nghề công chứng trải đều tại các huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của tổ chức, công dân.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế, bất cập nhất định, như: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực có lúc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn về nghề công chứng; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành thiếu đồng bộ; nguồn lực dành cho công tác quản lý này chưa đảm bảo,... Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác công chứng chưa đầy đủ; thiếu sự quan tâm đúng mức trong quản lý nhà nước về công chứng; yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao nhưng nguồn lực của địa phương còn hạn chế; quy định pháp luật về công chứng và các lĩnh vực liên quan chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chồng chéo.

Trong hoạt động công chứng, thời gian gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng, như: Việc chuyển trụ sở Văn phòng công chứng từ huyện vào trung tâm thành phố ảnh hưởng đến việc đáp ứng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, vùng xa trung tâm; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm đạo đức hành nghề; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy cao vai trò, trách nhiệm tự quản,... Những vấn đề trên ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc xây dựng và ban hành “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025” là cần thiết.  

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về cụ thể, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo chiến lược cải cách tư pháp và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có các giải pháp hỗ trợ phát triển nghề công chứng, đồng thời phải kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; đấu tranh phòng, chống các các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp công chứng, phòng chống tội phạm, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng. Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, nhất là trong việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp của công chứng.

Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện, gồm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về công chứng; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về công chứng; tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng; rà soát, ban hành, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng; tăng cường quản lý về tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Công chứng viên tỉnh Thừa Thiên Huế; xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng, vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày