Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 6.788
Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030
Ngày cập nhật 25/10/2021

Ngày 14 tháng 10 năm 2021,  Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 118/NQ-HĐND Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu như sau:

 

Mục tiêu chung

- Từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá; huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà ở.

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai; thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản, chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ cấu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 mua hoặc thuê, thuê mua phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm từng bước cải thiện chỗ ở của nhân dân.

- Phát triển nhà ở thương mại theo quy hoạch được duyệt, đồng thời rà soát, xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ văn minh, hiện đại, hoàn thiện các dự án nhà ở đưa vào sử dụng.

- Phát triển nhà ở gắn với đặc trưng tự nhiên, địa lý, xã hội của địa phương, góp phần tạo bản sắc đô thị, nông thôn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 Các chỉ tiêu cụ thể

- Chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,5 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 29,0 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn đạt 24,0 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người.  Diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.562.130 m2 sàn. Chất lượng nhà ở toàn tỉnh: Nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt khoảng 98,5 %, trong đó: Đô thị đạt 99,4%, tại nông thôn 97,9%.

- Chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 31 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn đạt 29 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 12 m2 sàn/người. Diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.539.568 m2 sàn. Chất lượng nhà ở toàn tỉnh: Nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt khoảng 99%, trong đó: Đô thị đạt 99,7%, tại nông thôn 98%.

Dự báo nhu cầu 

- Nhu cầu về nhà ở

 Dự báo đến năm 2025: Nhà ở xã hội phát triển thêm khoảng 659.527 m2 sàn; nhà ở công vụ phát triển thêm khoảng 2.925 m2 sàn; nhà ở tái định cư phát triển thêm khoảng 120.540 m2 sàn; nhà ở thương mại phát triển thêm khoảng 3.269.034 m2 sàn; còn lại khoảng 4.510.104 m2 sàn phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Dự báo đến năm 2030: Nhà ở xã hội phát triển thêm khoảng 651.062 m2 sàn; nhà ở công vụ phát triển thêm khoảng 1.015 m2 sàn; nhà ở tái định cư phát triển thêm khoảng 130.104 m2 sàn; nhà ở thương mại phát triển thêm khoảng 4.838.164 m2 sàn; còn lại khoảng 2.919.223 m2 sàn phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

- Nhu cầu về quỹ đất

Dự báo đến năm 2025: Nhu cầu đất ở tăng thêm khoảng 4.756,74 ha, trong đó: Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 366,4 ha; quỹ đất phát triển nhà ở công vụ khoảng 1,63 ha; quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 66,97 ha; quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 1.816,13 ha; còn lại khoảng 2.505,61 ha phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Dự báo đến năm 2030: Nhu cầu đất ở tăng thêm khoảng 4.744,20 ha; trong đó: Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 361,7 ha; quỹ đất phát triển nhà ở công vụ khoảng 0,56 ha; quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 72,28 ha; quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 2.687,87 ha; còn lại khoảng 1.621,79 ha phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Nhu cầu về vốn

Dự báo đến năm 2025: Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh khoảng 63.158,19 tỷ đồng, trong đó: Nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 2.670,74 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 19,57 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 883,56 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 26.525,27 tỷ đồng; còn lại khoảng 33.059,06 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Dự báo đến năm 2030: Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh khoảng 64.775,50 tỷ đồng, trong đó: Nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 3.243,06 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 6,79 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 870,40 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 39.257,35 tỷ đồng; còn lại khoảng 21.397,90 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Một số giải pháp chính

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách: Tham gia sửa đổi, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về nhà ở, đầu tư, đất đai; rà soát bổ sung, xây dựng các quy định về đầu tư xây dựng, chính sách đất đai, chính sách huy động vốn. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để huy động vốn phát triển hạ tầng đô thị, phát triển các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp, chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở.

- Giải pháp về kiến trúc quy hoạch: Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng; đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; bố trí 20% quỹ đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội tại quy hoạch phân khu để tránh manh mún trong bố trí nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; hạn chế mất cân đối về mặt kiến trúc của dự án.

Nghiên cứu thiết kế các mẫu nhà ở khu vực nông thôn, nhất là các vùng ven biển, vùng núi cao đảm bảo 03 tiêu chí cứng: Móng cứng, khung cứng và mái cứng.

Quy hoạch bố trí các điểm dân cư hợp lý theo mô hình làng chống bão, sạt lở ở khu vực ven biển, hạn chế tối đa bố trí các khu dân cư ở các vùng trũng, các vùng có nguy cơ sạt lở.

Hạn chế các quy hoạch treo, các dự án treo; phải tuân thủ toàn diện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, mở rộng tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc lấy ý kiến các đồ án quy hoạch.

Giải pháp về công nghệ: Khuyến khích phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông minh tại các dự án phát triển nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc, cảnh quan.

Tổ chức nghiên cứu, thiết kế và áp dụng các loại nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tái sử dụng, tái cơ cấu hoặc tái chế các nguồn tài nguyên đã sử dụng.

Giải pháp về vốn, tài chính, tín dụng, thuế: Hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đặc biệt đối với vùng sạt lở, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lụt, từ đó từng bước giảm nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn tỉnh theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Giải pháp về chính sách đất đai: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chính sách đất đai như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo quỹ đất sạch để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Thực hiện xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, trong đó: Chú trọng đến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các khu đô thị để bố trí cho đầu tư dự án xây dựng nhà ở chung cư, đảm bảo nhu cầu nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trong các giai đoạn.

Giải pháp tuyên truyền, vận động: Tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư thay đổi phương thức, tập quán từ sở hữu chuyển sang hình thức thuê nhà, từ hình thức nhà ở riêng lẻ chuyển sang căn hộ chung cư để phù hợp với điều kiện thu nhập của hộ gia đình, cá nhân và cuộc sống đô thị.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 năm 2021.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày