Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 11.848
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Ngày cập nhật 24/04/2024

Ngày 08 tháng 4 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 4 năm 2024.

Theo đó,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, cũng như trách nhiệm giải trình, làm rõ vấn đề và các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Ngoại giao tại phiên chất vấn.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:

- Đối với lĩnh vực tài chính: Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.   

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế. Nâng cao chất lượng thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính. 

Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xây dựng, phát triển hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện đại, đội ngũ công chức hải quan các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai Hải quan số. 

Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi), nhất là quy định về Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, bảo đảm đồng bộ hệ thống văn bản khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Đối với lĩnh vực ngoại giao: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác ngoại giao, nhất là nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Xây dựng tiêu chuẩn và triển khai các giải pháp để phát triển có hiệu quả ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo (Halal) tại Việt Nam, mở rộng tiếp cận thị trường Halal còn nhiều tiềm năng.

Phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.  

Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch.

Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có giải pháp kết nối, tranh thủ nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng dự án Luật về hàm, cấp ngoại giao thay cho Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao hiện hành; dự án Luật về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Khẩn trương ban hành Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày