Theo đó quy định:
Đối tượng áp dụng là Người lang thang xin ăn; Người tâm thần lang thang; Người dẫn dắt hoặc mang theo trẻ em; dẫn dắt người khuyết tật, người bệnh tật, người cao tuổi để bán hàng rong hoặc lợi dụng để xin ăn; Người lang thang khác.
Các đơn vị tập trung, chuyển giao người lang thang gồm: Đội trật tự xã hội tập trung và xử lý người lang thang: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã); Đội Quản lý đô thị thành phố Huế.
Các đơn vị tiếp nhận người lang thang gồm: Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em; Trung tâm Bảo trợ xã hội; Bệnh viện Tâm thần Huế (trực thuộc Sở Y tế); Trung tâm, Bệnh viện các huyện, thị xã và thành phố Huế;
Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân khác có liên quan: Đối tượng còn sức lao động lợi dụng việc lang thang ăn xin, bán hàng rong để trục lợi; Cơ quan, tổ chức có liên quan khác.
Hồ sơ chuyển giao đối tượng cho gia đình, gồm:
- Đơn bảo lãnh của gia đình, người thân (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột), người giám hộ theo quy định của pháp luật theo Mẫu.
- Căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý khác của người bảo lãnh (bản sao chứng thực);
- Căn cước công dân hoặc các giấy tờ liên quan đến người lang thang được bảo lãnh (bản sao chứng thực).
Hồ sơ chuyển giao đối tượng cho các cơ sở trợ giúp xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý): Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, để phòng tránh lây lan, đảm bảo an toàn, đơn vị tập trung đối tượng phối hợp với cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng trước khi bàn giao cho cơ sở trợ giúp xã hội. Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của đối tượng (nếu có).
Hồ sơ chuyển giao đối tượng cho bệnh viện Tâm thần Huế; Trung tâm Y tế/Bệnh viện thành phố Huế, thị xã và các huyện, gồm:
- Biên bản phát hiện, phân loại, chuyển giao người lang thang đối với trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa đến an toàn của đối tượng;
- Biên bản chuyển giao (bàn giao) người lang thang của cơ quan, đơn vị nơi phát hiện thấy cần sự bảo vệ khẩn cấp;
- Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân của đối tượng (nếu có).
Khi phát hiện đối tượng lang thang ăn xin (Có biên bản phát hiện và lấy lời khai của đối tượng) thì tiến hành tập trung, chuyển giao như sau:
- Quá trình phát hiện, khai thác thông tin nhận thấy đối tượng có dấu hiệu thuê trẻ em, người già, người khuyết tật hoặc bị xúi dục, ép buộc lang thang kết hợp với buôn bán hàng rong thì Công an cấp xã lập hồ sơ, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Trường hợp xác định được thân nhân gia đình, địa chỉ cư trú, rõ thông tin của công dân là người tại địa phương (cùng huyện, thị xã và thành phố) thì UBND cấp xã, Đội quản lý đô thị thành phố Huế nơi phát hiện tiến hành trao đổi với Công an cấp xã nơi công dân cư trú để đối chiếu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó thông báo cho gia đình đến tiếp nhận, cam kết không để đối tượng tái lang thang.
Ngay sau khi nhận được liên hệ, thân nhân gia đình của đối tượng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo Quy định và đến cam kết, bảo lãnh đối tượng về gia đình quản lý, chăm sóc, giáo dục;
- Trường hợp xác định được thân nhân gia đình, địa chỉ cư trú, rõ thông tin của công dân là người tại địa phương (cùng xã hoặc cùng huyện) mà gia đình không đến bảo lãnh thì UBND cấp xã, hoặc Đội quản lý đô thị tiến hành trao đổi với Công an cấp xã nơi công dân cư trú để đối chiếu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó chuyển giao đối tượng cho UBND cấp xã nơi đối tượng sinh sống để có biện pháp quản lý, giáo dục và tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống tại cộng đồng;
- Trường hợp xác định rõ nơi cư trú, không có giấy tờ tuỳ thân thì tiến hành lập danh sách chuyển Công an cấp xã nơi công dân cư trú xác minh làm rõ, thu thập thông tin, giải quyết đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân. Đồng thời chuyển đối tượng cho UBND cấp xã nơi đối tượng sinh sống để được hỗ trợ.
- Trường hợp đối tượng ở các địa phương khác hoặc không rõ nơi cư trú, thông tin công dân thì tiến hành lập danh sách chuyển cơ quan Công an kiểm tra, xác minh trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giải quyết đăng ký cư trú. Thông báo cho Đội trật tự xã hội tập trung và xử lý người lang thang đến tiếp nhận đối tượng về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em để chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời và phân loại;
- Trong trường hợp phát hiện đối tượng là người lang thang bị suy nhược, nguy hiểm đến tính mạng thì đơn vị phát hiện chuyển đến cơ sở y tế để điều trị.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2023 và thay thế Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định tập trung người lang thang trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập.