Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 703
Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021
Ngày cập nhật 22/09/2021

Ngày 11 tháng 9 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021.

 

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 8, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và triển khai kết luận của Lãnh đạo chủ chốt tại Thông báo số 10-TB/KL ngày 24 tháng 8 năm 2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nhanh chóng được kiện toàn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, phát huy cao độ vai trò của các lực lượng và huy động hiệu quả các lực lượng, nguồn lực để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nỗ lực chăm lo đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, công tác phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả; tình hình dịch COVID-19 tại các tâm dịch đang từng bước được kiểm soát. Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2021 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm tăng 7,42% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Thu ngân sách 8 tháng đạt 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm. Nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 429 tỷ USD, tăng 27,2%. vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới 8 tháng tăng 16,3%; vốn thực hiện đạt 11,6 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử phát triển tích cực. Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Các hoạt động kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9 được tổ chức trang trọng, ý nghĩa và an toàn. Khai giảng năm học mới 2021 - 2022 được tổ chức theo nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin các cấp, nhất là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các sự kiện đối ngoại quan trọng được tổ chức thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta.

2. Về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, để sớm báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thường trực Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kể hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

3. Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2022-2024

Bộ Tài chính chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, sớm báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thường trực Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

4. Về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022

Thống nhất quan điểm, mục tiêu và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2022 là 516.086 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (trong đó số vốn nước ngoài là 34.800 tỷ để phân bổ cho các dự án cụ thể); vốn cân đối ngân sách địa phương là 294.086 tỷ đồng. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

5. Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, sớm báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị hoàn thiện Báo cáo, trình Thường trực Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định.

6. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự án Luật)

Chính phủ thống nhất xác định đây là dự án Luật rất quan trọng và cấp thiết, việc xây dựng dự án Luật trình Quốc hội nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các quy định pháp luật liên quan để góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9 năm 2021, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình trình dự án Luật để báo cáo, giải trình nội dung có liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị kỹ nội dung giải trình, tạo sự đồng thuận cao khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến và trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết này./.

 

Phan Văn Quả
Các tin khác
Xem tin theo ngày