Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 7.339
Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế trong áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA)
Ngày cập nhật 20/07/2021

Ngày 18 tháng 6 năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2021.

 

1. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế

- Quyền của người nộp thuế: người nộp thuế có quyền đề nghị với Tổng cục Thuế về việc rút đơn hoặc dừng đàm phán tại bất cứ thời điểm nào trước khi APA được ký kết; người nộp thuế có quyền mời hoặc thuê chuyên gia độc lập là người có kỹ năng, kiến thức phù hợp với nội dung APA để tham gia trao đổi, đàm phán APA. Trong các văn bản ghi nhận kết quả trao đổi, đàm phán phải được ký xác nhận bởi người nộp thuế; trường hợp trong khi thực hiện APA đơn phương nếu có phát sinh việc đánh thuế trùng hoặc có sự điều chỉnh về thu nhập chịu thuế dẫn đến bất lợi cho người nộp thuế xuất phát từ quyết định của cơ quan thuế đối tác, người nộp thuế có quyền đề nghị Tổng cục Thuế về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ APA theo quy định.

- Nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế: người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin, dữ liệu cho cơ quan thuế trong quá trình tham vấn (nếu có), nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết, thực hiện APA cũng như trong quá trình giải quyết đề nghị gia hạn, sửa đổi APA theo quy định. Người nộp thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của những thông tin này; người nộp thuế có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ, chứng từ liên quan trong quá trình thẩm định, đàm phán, ký kết, thực hiện APA và cung cấp cho cơ quan thuế khi có yêu cầu; trong thời gian thực hiện APA, người nộp thuế có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện tại APA đã được ký kết và thực hiện việc điều chỉnh thu nhập chịu thuế phù hợp với mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận đã được quy định tại APA để thực hiện khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; người nộp thuế có trách nhiệm lập và nộp các báo cáo APA thường niên cho từng năm tính thuế và báo cáo đột xuất (nếu có) trong giai đoạn hiệu lực của APA đã ký kết theo quy định; người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế trong quá trình thực hiện APA đã ký sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định hiện hành.

2. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế

- Quyền hạn của cơ quan thuế: cơ quan thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế giải trình, làm rõ các thông tin người nộp thuế cung cấp trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị áp dụng APA. Cơ quan thuế có quyền dừng đàm phán khi phát sinh một trong các trường hợp sau: việc tiếp tục đàm phán APA không đáp ứng được các nguyên tắc áp dụng APA theo quy định; các bên liên quan không thống nhất được nội dung APA khi giai đoạn được đề nghị áp dụng APA kết thúc; người nộp thuế hoặc cơ quan thuế đối tác đề nghị dừng đàm phán APA. Tổng cục Thuế thông báo cho người nộp thuế (đối với APA đơn phương) hoặc cho người nộp thuế và thông báo hoặc xác nhận với cơ quan thuế nước ngoài (đối với APA song phương hoặc đa phương) về việc dừng đàm phán APA.

- Trách nhiệm của cơ quan thuế: căn cứ thẩm quyền theo quy định, Tổng cục Thuế thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế; tiến hành giải quyết đề nghị của người nộp thuế về việc áp dụng APA, gia hạn, sửa đổi APA đã ký kết; hủy bỏ, thu hồi APA đã ký kết; cơ quan thuế có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện APA đã ký kết của người nộp thuế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm: Thanh tra, kiểm tra, xác định thực tế việc chấp hành các quy định tại APA đã ký kết; thanh tra, kiểm tra, xác định việc khai, nộp thuế và điều chỉnh thu nhập chịu thuế theo các quy định tại APA đã ký kết; kiểm tra, xác định thông tin tại các báo cáo APA thường niên, báo cáo đột xuất do người nộp thuế báo cáo phù hợp với thực tế phát sinh. Việc quản lý, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế nhằm giám sát sự tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực hiện APA đã ký kết, không thẩm định lại APA đã ký kết; cục Thuế tham gia và chịu trách nhiệm đối với các nội dung tham gia trong quá trình tham định, trao đổi, đàm phán APA thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các APA đã được ký kết theo chức năng, nhiệm vụ của Cục Thuế./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày