Theo đó, người nộp phí là doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức thu phí là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện được phân cấp, ủy quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường theo quy định pháp luật.
Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường quy định như sau:
- Tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh: mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke là 4.000.000 đồng/giấy nếu có từ 01 đến 03 phòng, 6.000.000 đồng/giấy nếu có từ 04 đến 05 phòng, 12.000.000 đồng/giấy nếu có từ 06 phòng trở lên. Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với trường hợp tăng thêm phòng là 2.000.000 đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 12.000.000 đồng/giấy phép/lần thẩm định. Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là 15.000.000 đồng/giấy.
- Tại khu vực khác (trừ các khu vực nêu trên): mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke là 2.000.000 đồng/giấy nếu có từ 01 đến 03 phòng; 3.000.000 đồng/giấy nếu có từ 04 đến 05 phòng; 6.000.000 đồng/giấy nếu có từ 06 phòng trở lên. Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với trường hợp tăng thêm phòng là 1.000.000 đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 6.000.000 đồng/giấy phép/lần thẩm định. Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là 10.000.000 đồng/giấy.
- Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu là 500.000 đồng/giấy.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí theo tháng và quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoản chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 50% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiêu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.