Theo đó, quy định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, như sau:
Phân loại vị trí việc làm:
- Phân loại theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm; vị trí việc làm kiêm nhiệm.
- Phân loại theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác); vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức là tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch phù hợp với vị trí việc làm và mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức.
Trình tự phê duyệt vị trí việc làm:
- Các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương) căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP để thẩm định.
- Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đề án vị trí việc làm, tổng hợp vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định quy định tại khoản 3 Điều Điều 7 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.
- Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Hồ sơ trình đề án vị trí việc làm, bao gồm: Văn bản đề nghị phê duyệt đề án vị trí việc làm; đề án vị trí việc làm; bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Nội dung đề án vị trí việc làm: Cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án vị trí việc làm; thống kê và phân nhóm công việc theo chức năng, nhiệm vụ, tính chất, mức độ phức tạp của từng công việc trong cơ quan, tổ chức; xác định vị trí việc làm, gồm: Bản mô tả công việc, khung năng lực, ngạch công chức đối với từng vị trí việc làm; tổng hợp vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức; kiến nghị, đề xuất (nếu có).
Nội dung thẩm định: Hồ sơ trình phê duyệt đề án vị trí việc làm; cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án vị trí việc làm; vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức.
Thời hạn thẩm định
Trong thời hạn 40 ngày làm việc (đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt lần đầu), 25 ngày làm việc (đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh) kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định Đề án vị trí việc làm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP phải hoàn thành việc thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp cấp có thẩm quyền yêu cầu điều chỉnh hoặc không đồng ý thì cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều chỉnh vị trí việc làm
- Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau: Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP; cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Trình tự, hồ sơ điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP kèm theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh vị trí việc làm.