Thiết bị viễn thông bắt buộc kiểm định là các thiết bị mạng, thiết bị đo lường tính giá cước thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định”.
Đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định là một hoặc tổ hợp thiết bị vô tuyến điện, bao gồm cả thiết bị phụ trợ kèm theo được triển khai để thực hiện nghiệp vụ vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định”.
Kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc đo kiểm và chứng nhận thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Việc kiểm định không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp đối với chất lượng, an toàn của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (sau đây gọi tắt là tổ chức kiểm định) là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định theo quy định của pháp luật, được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm định.
Đơn vị đo kiểm thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (sau đây gọi là đơn vị đo kiểm) là đơn vị được thành lập, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định đo kiểm đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện.
Các trường hợp kiểm định gồm: Kiểm định lần đầu đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định”: trước khi đưa thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện vào khai thác sử dụng, tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm định. Kiểm định lại: Đối với các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định: trước ngày hết hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định ít nhất sáu mươi (60) ngày các tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm định lại; đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định: khi có sự thay đổi thông số kỹ thuật ngoài quy định cho phép hoặc khi có thay đổi công trình xây dựng lân cận dẫn đến mất an toàn phơi nhiễm trường điện từ, Giấy chứng nhận kiểm định đối với thiết bị đó sẽ hết hiệu lực và tổ chức, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, khắc phục những điểm chưa phù hợp và tiến hành kiểm định lại thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện; trường hợp thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định và có giới hạn an toàn ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định: khi có sự thay đổi thông số kỹ thuật trong quy định cho phép thì tổ chức, doanh nghiệp không phải kiểm định lại và phải chịu trách nhiệm đảm bảo độ an toàn của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện. Kiểm định bất thường thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi đã khắc phục xong sự cố hoặc theo nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, khai thác thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện.
Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thực hiện giám sát và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giám sát các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định khi đưa vào khai thác, sử dụng. Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thông báo các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định nhưng không còn phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tổ chức, doanh nghiệp nộp phí thẩm định cho tổ chức kiểm định trong vòng mười lăm (15) ngày kể từ ngày tổ chức kiểm định thông báo phí thẩm định. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không nộp phí thẩm định đúng thời hạn, tổ chức kiểm định có quyền từ chối thẩm định và thông báo bằng văn bản tới tổ chức, doanh nghiệp. Phí thẩm định đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp thẩm định theo yêu cầu tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp đối với các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện không thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” thì chi phí thẩm định thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức kiểm định và các tổ chức, doanh nghiệp.