Đối tượng áp dụng: Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đủ năng lực kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là cơ sở kiểm nghiệm); Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thủy sản; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản.
Theo đó, cơ sở kiểm nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu:
- Đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT- BNNPTNT ngày 01/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.
- Xác định giá trị CCβ của phương pháp kiểm nghiệm theo Mục 3.1.2.6 Phụ lục ban hành kèm Quyết định số 2002/657/EC ngày 17/8/2002 của Ủy ban Châu Âu và công bố giá trị CCβ đối với chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong phiếu kết quả kiểm nghiệm tương ứng.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, chỉ định là cơ sở kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản có quy định MRPL phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Thông tư này.
Quy định về việc thông báo kết quả kiểm nghiệm và biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản được quy định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định, như sau:
Cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả kiểm nghiệm phù hợp với Mẫu phiếu kiểm nghiệm qui định tại Phụ lục 3 của Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 và biện pháp xử lý tương ứng theo 3 khả năng sau:
+ Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm của lô hàng thấp hơn (<) giá trị CCβ: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “không phát hiện”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản được phép lưu thông, tiêu thụ lô hàng đó trên thị trường.
+ Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm của lô hàng lớn hơn hoặc bằng (≥) giá trị CCβ và nhỏ hơn (<) giá trị MRPL: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “lớn hơn hoặc bằng giá trị CCβ và nhỏ hơn giá trị MRPL”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản được phép lưu thông, tiêu thụ lô hàng đó trên thị trường và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về các trường hợp thông báo kết quả “lớn hơn hoặc bằng giá trị CCβ và nhỏ hơn giá trị MRPL”.
Nếu tổ chức, cá nhân có 04 lô hàng sản xuất bị thông báo kết quả “lớn hơn hoặc bằng giá trị CCβ và nhỏ hơn giá trị MRPL” trong vòng 06 tháng liên tục với cùng loại sản phẩm thủy sản và chỉ tiêu kiểm nghiệm thì tổ chức, cá nhân đó phải tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các nội dung không phù hợp (nếu có).
+ Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm của lô hàng lớn hơn hoặc bằng (≥) giá trị MRPL: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “vượt ngưỡng MRPL”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm và thu hồi, xử lý đối với các lô hàng không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54, 55 Luật an toàn thực phẩm.
Chương III của Thông tư quy định trách nhiệm cụ thể đối với các bên có liên quan gồm: cơ sở kiểm nghiệm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về đánh giá, chỉ định cơ sở kiểm nghiệm; cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.