Theo đó, cáp qua sông được sử dụng trong các trường hợp sau: Khi tuyến cáp vượt qua các đoạn sông, hồ lớn... mà các phương pháp lắp đặt cáp khác không thể thực hiện được; Cáp qua sông có thể được thiết kế đặt trên cầu, treo qua sông hoặc thả qua sông.
Cáp qua sông phải đáp ứng các yêu cầu như: Cáp thả qua sông phải được chọn có độ gia cường phù hợp với tốc độ dòng chảy và độ sâu của lòng sông; Cáp đặt trên cầu phải chịu được rung, hoặc có biện pháp chống rung; Cáp treo qua sông phải tính toán dây treo bảo đảm độ chùng, lực căng, chịu được tải trọng của bản thân cáp và tác động của gió bão cho khoảng vượt lớn.
Tuyến cáp qua sông phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Đối với tuyến cáp đặt trên cầu: Vị trí và kỹ thuật lắp đặt ống dẫn cáp trên cầu phải được sự thỏa thuận giữa đơn vị quản lý cầu và các đơn vị quản lý công trình cáp; Các ống dẫn cáp phải được lắp đặt chắc chắn trên cầu và không làm ảnh hưởng đến kết cấu và độ vững chắc của cầu; Phải bố trí hầm hoặc hố cáp tại hai đầu đoạn cáp qua cầu và dự trữ lượng cáp dư tối thiểu là 5 m đối với cáp đồng và tối thiểu là 15 m đối với cáp quang’; Phải đánh dấu vị trí cáp qua cầu.
Đối với tuyến cáp treo qua sông: Chiều cao của cột vượt sông phải đảm bảo tuyến cáp vượt sông có khoảng cách an toàn cho các loại phương tiện giao thông đi lại bên dưới và các yêu cầu khác có liên quan của ngành giao thông; Các cột treo cáp qua sông phải được gia cố móng, củng cố bằng dây co, đảm bảo chịu được các tải trọng tác động; Không được bố trí cột góc làm cột vượt sông; Lực căng của cáp không được vượt quá giới hạn lực căng cho phép của cáp.
Đối với tuyến cáp thả qua sông: Vị trí lắp đặt cáp thả qua sông phải cách xa khu vực tàu thuyền neo đậu tối thiểu 100m; Khoảng cách từ cáp viễn thông đến cáp điện lực cùng đặt trong nước, nơi không có tàu thuyền neo đậu không nhỏ hơn 20m; Chiều sâu rãnh cáp tối thiểu là 1,5 m và chiều rộng rãnh cáp tối thiểu là 1m; Cáp thả sông phải được đặt trong ống thép mạ kẽm, đường kính của ống được lựa chọn phù hợp với kích thước cáp lắp đặt bên trong; Đoạn ống qua sông phải được đặt vào chính giữa rãnh cáp, sau khi được đặt cố định vào rãnh cáp phải đậy các tấm panel bê tông có kích thước 1 000 x 500 x 300 (mm) lên trên ống; Phải lấp đầy rãnh cáp đến mặt đáy sông; Hai đầu của đoạn cáp qua sông phải bố trí hầm cáp hoặc hố cáp; Phải có lượng cáp dư ở hai bên bờ cho việc sửa chữa sau này. Lượng cáp dư đối với cáp đồng tối thiểu là 5 m và lượng cáp dư đối với cáp quang tối thiểu là 15m; Phải đánh dấu đoạn cáp qua sông ở hai bên bờ.
Tiếp đất và chống sét cho mạng cáp qua sông thực thiện theo yêu cầu sau: Cáp đồng và cáp quang có thành phần kim loại trong cống bể phải tuân thủ các quy định về tiếp đất chống sét tại QCVN 32:2011/BTTTT. Đối với cáp đồng, phải nối đất vỏ bọc kim loại và đai sắt dọc theo tuyến cáp tại các vị trí hầm cáp. Khoảng cách giữa hai điểm tiếp đất gần nhau nhất không lớn hơn 300 m. Điện trở tiếp đất được quy định theo pháp luật. Đối với cáp quang có thành phần kim loại phải thực hiện tiếp đất thành phần kim loại dọc theo tuyến cáp như đối với cáp đồng. Nếu chuyển tuyến cáp (cáp đồng và cáp quang) đi trong cống bể sang cáp treo và cáp đi trong cống bể phải tiếp đất các thành phần kim loại (mảng chắn từ, dây tiếp đất dọc cáp, dây gia cường và dây treo cáp bằng kim loại.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định kỹ thuật đối với cáp treo, quy định kỹ thuật đối với cáp trong cống bể, quy định kỹ thuật đối với cáp chôn trực tiếp, quy định kỹ thuật đối với cáp trong đường hầm, quy định kỹ thuật đối với cáp thuê bao và các quy định lắp đặt thiết bị phụ trợ khác