Theo đó, Nghị định số 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm mới trọng tâm của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 4 và bổ sung Khoản 4a Điều 6 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP về việc thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở cấp huyện, cấp bộ và Hội đồng định giá thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 và bổ sung Khoản 3a sau Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về thành phần của Hội đồng định giá cấp bộ, Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và số lượng thành viên của Hội đồng.
- Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP về quyền của Hội đồng định giá trong việc quyết định thuê doanh nghiệp thẩm định giá và các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn trong "trường hợp thực hiện định giá tài sản phục vụ các vụ án cần thực hiện gấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các gói thầu thẩm định giá tài sản, gói thầu thuê tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn về giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật và các nội dung khác phục vụ việc định giá tài sản được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Luật Đấu thầu và quyết định của Thủ tướng Chính phủ".
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 21 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp trên thực hiện, cụ thể:
+ Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện định giá lần đầu; Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lần đầu; Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp bộ định giá lần đầu. Kết luận định giá của Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là kết luận cuối cùng về giá trị của tài sản cần định giá."
- Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 4 Điều 21 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định "Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp bộ".
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 21 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định "Việc định giá lại tài sản quy định tại Điều này được tiến hành theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá chung quy định tại Nghị định này và các pháp luật liên quan. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm gửi đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá và kèm theo tài liệu thuyết minh cụ thể căn cứ pháp lý, lý do nghi ngờ kết quả định giá, định giá lại cho Hội đồng định giá cấp trên."
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, cụ thể:
+ Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá. Kết luận định giá lại trong trường hợp này là kết luận định giá tài sản cuối cùng để giải quyết vụ án; Hội đồng định giá cấp bộ thực hiện định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt đối với tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện thực hiện định giá lần đầu; Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt đối với tài sản do Hội đồng định giá cấp tỉnh thực hiện định giá lần đầu".
- Bổ sung Điểm b1 sau Điểm b Khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ định giá tài sản bổ sung thêm "báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá".
- Bổ sung Khoản 3 vào Điều 24 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về nguồn kinh phí, mức chi hỗ trợ chi cho một số hoạt động thường xuyên của Hội đồng định giá gồm công tác phí, họp chuyên môn, khảo sát, thu thập thông tin, mua sắm văn phòng phẩm, báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá, cụ thể:
+ Căn cứ yêu cầu, tính chất của vụ án, cơ quan thành lập Hội đồng định giá, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng định giá có trách nhiệm sử dụng nguồn kinh phí quản lý hành chính của mình để hỗ trợ chi cho một số hoạt động thường xuyên của Hội đồng định giá gồm công tác phí, họp chuyên môn, khảo sát, thu thập thông tin, mua sắm văn phòng phẩm, báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá. Trên cơ sở cân đối chung, trường hợp ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị, cơ quan thành lập Hội đồng định giá, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng định giá có trách nhiệm lập dự toán xin bổ sung kinh phí theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mức chi được thực hiện theo chế độ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một số mức chi được áp dụng thực hiện như sau:
+ Mức chi công tác khảo sát giá thị trường của thành viên Hội đồng định giá, Tổ giúp việc Hội đồng thực hiện theo quy định về chi tiền công cho cán bộ, công chức thực hiện điều tra thống kê có nội dung điều tra chuyên sâu phức tạp theo quy định của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia; Mức chi họp chuyên môn, xây dựng các báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá được thực hiện theo quy định về mức chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị, họp báo và mức chi đối với báo cáo tổng hợp ý kiến, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý theo quy định của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật."