Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại.
So với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP thì Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới và quy định chi tiết hơn về hoạt động thừa phát lại. Một số điểm mới như:
- Quy định về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại (Điều 8): Người có Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề hoặc quyết định công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự đặt trụ sở. Thời gian tập sự là 06 tháng đối với người được đào tạo nghề Thừa phát lại,03 tháng đối với người được bồi dưỡng nghề thừa phát lại. Người đã hoàn thành tập sự tham dự kiểm tra kết quả tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức.
- Về bổ nhiệm Thừa phát lại: Giới hạn độ tuổi bổ nhiệm Thừa phát lại là “không quá 65 tuổi”; nâng cao tiêu chuẩn của Thừa phát lại (Điều 6) và quy định những trường hợp không được bổ nhiệm (Điều 11).
- Quy định về bổ nhiệm lại Thừa phát lại (Điều 14): Người được miễn nhiệm theo nguyện vọng được xem xét bổ nhiệm lại khi có đề nghị. Người bị miễn nhiệm chỉ được xem xét bổ nhiệm lại khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn và lý do miễn nhiệm không còn.
- Quy định về Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại có thể chuyển đổi loại hình Văn phòng Thừa phát lại từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại (Điều 26); có thể hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại (Điều 27) hoặc có thể chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại (Điều 28).
- Quy định về việc tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại (Điều 29) trong trường hợp: Trưởng Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập hoặc tất cả các Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; hoặc không đảm bảo điều kiện hoạt động khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
- Quy định về kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại (Điều 73), hoạt động tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của Thừa phát lại chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan.
- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định chi tiết, cụ thể hơn về thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại: Tống đạt; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự. Trong đó quy định cụ thể các trường hợp không được lập vi bằng (Điều 37); trường hợp từ chối cung cấp thông tin (Điều 46).