- Nội dung hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc
1. Hướng dẫn nghiệp vụ là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trả lời những đề xuất, kiến nghị của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc cơ quan khác có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước.
a) Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì nội dung hướng dẫn nghiệp vụ bao gồm: giải quyết yêu cầu bồi thường; đề nghị cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
b) Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thì nội dung hướng dẫn nghiệp vụ bao gồm: xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại và giá trị thiệt hại được bồi thường.
2. Giải đáp vướng mắc là việc Bộ Tư pháp có ý kiến về những đề xuất, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân không liên quan đến vụ việc bồi thường nhà nước. Nội dung giải đáp vướng mắc bao gồm: quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường, người thi hành công vụ gây thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; giải quyết yêu cầu bồi thường; đề nghị cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này.
- Thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước
1. Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ trong các trường hợp sau đây:
a) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là các cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, d, e, g, h, i, k khoản 3 Điều 19 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để cơ quan này hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan trong phạm vi địa phương mình thực hiện công tác bồi thường nhà nước;
d) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có yêu cầu bồi thường;
đ) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ mà cơ quan đó tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ;
e) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các Bộ) khi có yêu cầu để các cơ quan này chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện công tác bồi thường nhà nước;
g) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quy định như trên.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ trong các trường hợp sau đây:
a) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại địa phương;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án cấp tỉnh và tương đương, Tòa án cấp huyện và tương đương có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có yêu cầu bồi thường.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy định như trên .