Thông tư này đã đưa ra một số quy định và hướng dẫn nhằm làm rõ một số khái niệm tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và thực tế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Trong đó, có một số điều cần chú ý như sau:
1. Về thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử
Khoản 3 và 4 Điều 26 Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính đã quy định:
Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Như vậy, từ thời điểm trên, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện.
2. Nội dung hóa đơn điện tử
Trong Thông tư số 68/2019/TT-BTC đã chi tiết hóa yêu cầu đối với nội dung của hóa đơn điện tử, nội dung hóa đơn điện tử có một số thay đổi:
– Sửa đổi về ký hiệu mẫu và ký hiệu hóa đơn.
– Thời điểm lập Hóa đơn điện tử được hướng dẫn xác định cụ thể hơn nhưng vẫn phù hợp với quy định từng trường hợp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Điều 7, Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Điều 4 của Thông tư số 68/2019/TT-BTC.
– Thông tư cũng quy định rõ ràng về việc hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký của người mua trong từng trường hợp và lĩnh vực cụ thể.
3. Định dạng hóa đơn điện tử
Thông tư số 68/2019/TT-BTC đã quy định cụ thể hơn về định dạng của hóa đơn điện tử, theo đó:
Định dạng hóa đơn điện tử gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hoá đơn điện tử và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số. Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.
Tổ chức, doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ khi chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế bằng hình thức gửi trực tiếp phải đáp ứng yêu cầu:
- Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS
VPN Layer 3.
- Sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc Message Queue (MQ) có mã
hóa làm phương thức để kết nối.
- Sử dụng giao thức SOAP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu
4. Điều kiện của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Mở rộng đối tượng là tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử: Tổ chức cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
Để trở thành tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, các đơn vị phải đáp ứng các điều kiện cụ thể hơn về chủ thể, nhân sự và kỹ thuật so với quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
5. Xử lý chuyển tiếp hóa đơn điện tử
Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các đơn vị vẫn có thể áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Nghị định trên nếu cơ quan thuế chưa có thông báo.
Kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử, nếu phát hiện hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.