Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Nghị định quy định, hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất hoá chất Bảng 1, hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3, hoá chất DOC, DOC-PSF; Giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động hoá chất; hoạt động sản xuất, mua bán, nhập khẩu, khảo nghiệm hoá chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; hoạt động cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm; hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động hoá chất, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Đối với hình thức phạt tiền: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng.
Các mức phạt cụ thể đối với vi phạm quy định về yêu cầu đối với nhà xưởng kho chứa, thiết bị trong sản xuất, kinh doanh hoá chất như sau:
Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi không có bảng hiệu và đèn báo tại lối thoát hiểm của nhà xưởng, kho chứa hoá chất.
Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có thông tin thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hoá chất theo quy định trong biển báo nguy hiểm treo tại nhà xưởng, kho chứa hoá chất; không treo, đặt biển báo các đặc tính nguy hiểm của hoá chất ở nơi dễ thấy trong nhà xưởng, kho chứa hoá chất; không có bảng nội quy về an toàn hoá chất trong nhà xưởng, kho chứa hoá chất; không treo, đặt bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ thấy, dễ đọc tại khu vực sản xuất có hoá chất nguy hiểm; sử dụng hệ thống chiếu sáng không đảm bảo đúng quy định, yêu cầu trong sản xuất, cất giữ hoá chất;
Sử dụng hệ thống thông gió tại nhà xưởng, kho chứa hoá chất không đáp ứng một trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió; không có hệ thống thu lôi chống sét cho nhà xưởng, kho chứa hoá chất không nằm trong khu vực được chống sét an toàn; không có rãnh thu gom và thoát nước cho nhà xưởng, kho chứa hóa chất .
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng bồn chứa ngoài trời không có đê bao hoặc không có biện pháp kỹ thuật khác để ngăn chặn hoá chất thoát ra môi trường; không thực hiện kiểm định định kỳ đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.
Đối với một số hành vi khác còn có mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với cá nhân không có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố hóa chất phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm theo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt; hành vi sản xuất, kinh doanh hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có giấy phép sản xuất, kinh doanh hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hoá chất hạn chế sẩn xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp...
Đặc biệt, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa là tiền chất công nghiệp vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp nhưng không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đã hết thời hạn.
Các mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm quy định về Phiếu an toàn hóa chất; vi phạm về khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia...
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2019 và thay thế: Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP