Đối tượng áp dụng của Thông tư là chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Theo đó, Thông tư quy định, hàng năm, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm rà soát, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trước ngày 15 tháng 4 đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 15 tháng 8 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Hàng năm, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan tiếp nhận hồ sơ trước ngày 01 tháng 4 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 01 tháng 8 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Nam Trung Bộ.
Về lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, Thông tư quy định, hệ thống giám sát thuộc phạm vi trách nhiệm của chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTNMT ngày 7 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Cột thủy chí hoặc trang thiết bị có tính năng tương tự để xác định được mực nước hạ lưu đập; trường hợp hạ lưu đập có trạm quan trắc khí tượng thủy văn thì có thể khai thác thông tin mực nước hạ du từ trạm quan trắc này thay cho cột thủy chí hoặc trang thiết bị có tính năng tương tự cột thủy chí. Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân và ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạ cấp huyện quyết định vị trí lắp đặt cột thủy chí hoặc trang thiết bị có tính năng tương tự cột thủy chí.
Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm thống nhất với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ tại vùng hạ du, gồm: Vị trí lắp đặt; trang thiết bị cảnh báo lắp đặt tại từng vị trí; những trường hợp phải cảnh báo; thời điểm cảnh báo; hình thức cảnh báo; quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cảnh báo.
Sở Công Thương nơi xây dựng đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 4 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 30 tháng 8 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện xây dựng tại khu vực Nam Trung Bộ.
Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập theo đề xuất của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm lập Báo cáo đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 01 tháng 3 hàng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 01 tháng 6 hàng năm đối với khu vực Nam Trung Bộ.
Việc kiểm định an toàn đập thủy điện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP được thực hiện đối với đập chính và các đập phụ của hồ chứa.
Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, Sở Công thương nơi xây dựng đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm trước trên địa bàn theo quy định tại Phụ lục của Thông tư này về UBND tỉnh và Bộ Công Thương./.