Thông tư này quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Theo đó, có 03 trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải lập quy trình bảo trì đó là:
Thứ nhất, công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa; đập, hồ chứa thủy lợi phải lập quy trình bảo trì.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có thể áp dụng quy trình bảo trì của công trình thủy lợi tương tự phù hợp mà không cần lập quy trình bảo trì riêng sau khi có ý kiến bằng văn bản của chủ sở hữu.
Thứ ba, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có thể lập quy trình bảo trì cho toàn bộ hoặc cho từng công trình riêng lẻ thuộc phạm vi quản lý.
Thông tư này còn quy định về nội dung chính của quy trình bảo trì công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, lớn, vừa và đập hồ chứa thủy lợi; Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ bảo trì; Định mức chi phí bảo trì định kỳ hàng năm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; Sửa chữa đột xuất, sửa chữa định kỳ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi ;…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này.
Công trình thủy lợi là hồ, đập đã đưa vào khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì phải hoàn thành việc lập quy trình bảo trì theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập. Công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì phải hoàn thành việc lập quy trình bảo trì chậm nhất sau 03 năm kể từ ngày 01/7/2019.