Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 2.473
Những quy định mới, quan trọng trong Luật Công an nhân dân sửa đổi năm 2018
Ngày cập nhật 24/06/2019

Ngày 20/11/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) năm 2018 với nhiều nội dung mới, quan trọng. Luật gồm 7 chương, 46 điều và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2019.

 

So với Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật sửa đổi tăng một điều; sửa đổi, bổ sung 34 điều; giữ nguyên 12 điều. Điều mới bổ sung về trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân. Về mô hình tổ chức: Bỏ cấp Tổng cục thuộc Bộ Công an, sát nhập cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Ngoài một số quy định mới cơ bản nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể, đó là:

- Giảm thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân

Tại Điều 8 quy định thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân giảm từ 3 năm xuống 2 năm.

Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Công dân được tuyển chọn vào công an nhân dân cần đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, sức khỏe, độ tuổi và năng khiếu phù hợp với công tác công an; Có nguyện vọng và công an nhân dân có nhu cầu.

- Chốt số lượng cấp tướng trong công an nhân dân

Điều 25 về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân được quy định như sau: Bộ trưởng Công an là Đại tướng. Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6.

Trung tướng số lượng không quá 35 gồm Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và một số chức vụ khác, gồm cả Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng số lượng không quá 157, trong đó bao gồm Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương.

Đáng lưu ý, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông cũng sẽ có hàm Thiếu tướng. Luật quy định số lượng này không quá 11 người.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có số lượng không quá 3 người. Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng: 17 đơn vị mỗi đơn vị không quá 4, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 3.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, số lượng mỗi đơn vị không quá 3.

Sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương.

Việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội quy định. Điều này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, kế thừa quy định hiện hành; căn cứ số lượng, nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội xác định, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội quy định cụ thể từng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng để bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

- Việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy đảm bảo hiệu quả

Về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, Điều 17 Luật này quy định gồm: Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn. Việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy sẽ do Chính phủ quy định cụ thể. Với quy định này nhằm đảm bảo việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn.

Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ.

Luật Công an nhân dân 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2019.

 

Thủy Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày