Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi đối với với việc nuôi con nuôi trong nước. Cụ thể: “Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.”
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 đối với Trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi; Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo ở cơ sở nuôi dưỡng; Sửa đổi, bổ sung Điều 6, trong đó bổ sung quy định chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế sang Nuôi con nuôi. Sửa đổi quy định không giao cơ sở nuôi dưỡng lập Danh sách để phân loại (Danh sách 1 và Danh sách 2) theo khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, chỉ giao cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì cơ sở nuôi dưỡng giao 01 bộ hồ sơ trẻ em cho người nhận con nuôi để thực hiện đăng ký việc Nuôi con nuôi. Nếu không có, thì cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ trẻ em (theo điểm a, b khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi), xin ý kiến của cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 về thủ tục đăng ký việc Nuôi con nuôi đối với việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi, bổ sung thông tin về cha mẹ nuôi và thay đổi thông tin từ cha đẻ, mẹ đẻ sang cha nuôi, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh của con nuôi, cụ thể: “Căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch”.
“ Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Bổ sung khoản 3 Điều 14 về hồ sơ của người được nhận làm con nuôi; Sửa đổi, bổ sung Điều 16 (yêu cầu xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài) và khoản 3 Điều 20 (Yêu cầu về giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài).
Sửa đổi Điều 30 (Ghi chú việc nuôi con nuôi đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài) thành Ghi vào Sổ đăng ký Nuôi con nuôi việc Nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Cụ thể: “Thẩm quyền, thủ tục ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Đối với trường hợp nuôi con nuôi được giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30, thì ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật hộ tịch, hồ sơ còn phải có văn bản chứng nhận việc nuôi con nuôi đã được thực hiện phù hợp với điều ước quốc tế của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.”
Ngoài ra, Nghị định thay thế cụm từ “công nhận việc Nuôi con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” (khoản 2 Điều 1 và Mục 6 Chương II) thành “ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc Nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”; Bỏ cụm từ “của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm e và” tại khoản 3 Điều 5; bãi bỏ khoản 3 Điều 3, Điều 11, điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 4 năm 2019.