Các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải tuân thủ thời gian nổ mìn như sau: Từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút và từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút trong ngày. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đặc thù có nhu cầu nổ mìn ngoài thời gian này, Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra để cấp phép.
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không được tiến hành khởi nổ cùng một lúc hai hoặc nhiều bãi mìn cạnh nhau; mỗi lần khởi nổ bãi mìn cách nhau ít nhất từ 01 - 03 phút. Đối với khu vực có nhiều mỏ, nhiều địa điểm cùng hoạt động nổ mìn các đơn vị phải có biên bản thỏa thuận, thống nhất trong tiến hành khởi nổ, cảnh giới và đảm bảo an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải trang bị phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong quá trình thi công nổ mìn; trường hợp khu vực nổ mìn có nhiều mỏ, nhiều địa điểm cùng hoạt động nổ mìn phải trang bị hệ thống bộ đàm có cùng tần số.
Trường hợp xảy ra sự cố nguy hiểm, khẩn cấp (có mìn câm sau khi nổ mìn mà thời tiết lại có diễn biến xấu như sấm sét, giông bão; sau khi nổ mìn tạo thành mặt trượt, đá treo có thể gây nguy hiểm cho người và thiết bị), chỉ huy nổ mìn phải quyết định biện pháp xử lý kịp thời và ngay sau khi xử lý xong phải báo cáo bằng văn bản về Sở Công Thương.
Nghiêm cấm nổ mìn vào những ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Bộ Luật Lao động: Trước ngày nghỉ 01 (một) ngày, trong ngày nghỉ và sau ngày nghỉ 01 (một) ngày. Trong một số trường hợp đặc biệt (khi diễn ra các lễ, hội, sự kiện và các vấn đề quan trọng của Quốc gia, địa phương), Sở Công Thương có thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, doanh nghiệp việc không được tiến hành nổ mìn trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp xảy ra các vấn đề do hoạt động vật liệu nổ công nghiệp gây ra mất an ninh trật tự thì Công an tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, doanh nghiệp việc không được tiến hành nổ mìn trong một thời gian nhất định và đồng thời thông báo cho Sở Công Thương.
Về tuyến đường vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp: Việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đến nơi nổ mìn hoặc của tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn đi qua các tuyến đường giao thông công cộng (không phải đường nội bộ doanh nghiệp) phải có giấy phép vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật.
Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, di tích lịch sử, văn hóa, ngoại giao; khi qua các khu vực nêu tại khoản này mà có đường tránh thì phải vận chuyển theo tuyến đường tránh; không được thay đổi tuyến đường quy định trong giấy phép vận chuyển; trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố thì phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.
Cấm vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong các trường hợp: Khi có yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động mang tầm quốc gia hoặc địa phương, khi có yêu cầu đặc biệt cần thiết đảm bảo an ninh, trật tự thì chấp hành tuyệt đối quyết định tạm ngừng vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh; không vận chuyển khi thời tiết diễn biến bất thường như bão, lũ lụt.