Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 14.881
Những điểm mới của Luật Cạnh tranh năm 2018
Ngày cập nhật 15/11/2018

Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018, dưới dây là những điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018.

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh nhiều nội dung liên quan tới các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tố tụng cạnh tranh, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh và quản lý Nhà nước về cạnh tranh.

So với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới được mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; các hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan...

2. Bỏ ngưỡng giới hạn của hành vi tập trung kinh tế

Điều 30 của Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Trước đây, Luật cạnh tranh 2004 quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

3. Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cạnh tranh

Ngoài nghiêm cấm các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan Nhà nước, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung hành vi nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân.

 Cụ thể, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

4. Quy định chính sách khoan hồng với doanh nghiệp vi phạm

Điều 112 của Luật mới quy định về chính sách khoan hồng đối với các doanh nghiệp khi vi phạm quy định về cạnh tranh, nội dung này không được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004.

 Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

Chính sách khoan hồng được áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

5. Ấn định mức xử phạt cụ thể với hành vi phạm về cạnh tranh

 Khác với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trong đó:

- Vi phạm quy định về tập trung kinh tế: Phạt tối đa 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

- Vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh: Phạt tối đa 2 tỷ đồng;

- Vi phạm quy định khác: Phạt tối đa 200 triệu đồng;

 Mức vi phạm nêu trên áp dụng với tổ chức; đối với cá nhân, mức phạt quy định bằng ½.

6. Căn cứ để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế

Trước đây, Luật Cạnh tranh 2004 quy định: Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Luật Cạnh tranh 2018 không quy định cụ thể như trên, mà chỉ quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào 1 trong 4 tiêu chí:

 - Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

- Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

 - Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;

 - Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

7. Quy định mới thời hạn xử lý vụ việc vi phạm về cạnh tranh

Trước đây, để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm tập trung kinh tế phải trải qua giai đoạn điều tra sơ bộ và điều tra chính thức. Trong đó, điều tra sơ bộ là 30 ngày; điều tra chính thức là 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh; 180 ngày với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế ...

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 không còn quy định về hai giai đoạn điều tra nêu trên, mà chỉ quy định: Thời hạn điều tra là 09 tháng đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh; 90 ngày với vụ việc tập trung kinh tế; 60 ngày với cạnh tranh không lành mạnh.

8. Định danh cụ thể cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh

Tại Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh được giao cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; trước đây Luật Cạnh tranh 2004 không quy định cụ thể cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên. Ủy ban tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh ...

So với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 cũng hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh, qua đó giúp đơn giản, rút ngắn thời gian. Ngoài ra, phân biệt rõ ràng giữa các khâu, mỗi khâu gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia. Bên cạnh đo, quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật.

Luật Cạnh tranh 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019./.

 

Bá Mỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày