Thông tư gồm 5 Chương, 18 Điều, quy định về việc kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trương cho linh kiện, thiết bị, tổng thành, phương tiện giao thông đường sắt sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải, phục hồi và trong quá trình khai thác trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia có đi qua khu dân cư, giao cắt với đường bộ.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và khai thác phương tiện giao thông đường sắt sử dụng trên các hệ thống đưòng sắt và các tổ chức liên quan đến quản lý, kiểm tra, thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt được quy định tại Điều 1 của Thông tư.
Theo Thông tư, việc kiểm tra bao gồm 5 loại hình:
1. Kiểm tra sản xuất, lắp ráp thực hiện đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; tổng thành (bao gồm giá chuyển hướng, động cơ diesel, máy phát điện (trên đầu máy), động cơ điện kéo, bộ biến đổi điện, bộ truyền động thủy lực), thiết bị, linh kiện sản xuất, lắp ráp mới;
2. Kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với phương tiện nhập khẩu thiết bị, linh kiện sản xuất, lắp ráp mới;
3. Kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện có thay đổi kết cấu thép thân xe, tính năng sử dụng và thông số, đặc tính kỹ thuật của hệ thống, tổng thành, thiết bị. Việc kiểm tra hoán cải không áp dụng đối với phương tiện chỉ thay đổi đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu;
4. Kiểm tra định kỳ: Việc kiểm tra định kỳ trong quá trình khai thác sử dụng được thực hiện đối với phương tiện và thiết bị tín hiệu đuôi tàu;
5. Kiểm tra bất thường được được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phương tiện bị tai nạn hoặc khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và khai thác, lưu hành phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện.
Trình tự cấp giấy chứng nhận
Theo Thông tư, giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy chứng nhận) là chứng chỉ xác nhận phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện đã được kiểm tra theo quy định hiện hành.
Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ theo quy định, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ trong vòng một ngày làm việc. Nếu thành phần hồ sơ đầy đủ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra nội dung hồ sơ. Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại.
Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra nội dung hồ sơ trong vòng năm (05) ngày làm việc đối với kiểm tra sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và trong vòng một (01) ngày làm việc đối với kiểm tra định kỳ. Nếu nội dung hồ sơ không hợp lệ thì thông báo cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra nội dung hồ sơ. Nếu nội dung hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn kiểm tra thống nhất về thời gian và địa điểm kiểm tra sản phẩm tại hiện trường.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường và thực hiện như sau: Nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 29/2018/TT-BGTVT trong thời hạn ba (03) ngày làm việc đối với kiểm tra sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải hoặc một (01) ngày làm việc đối với kiểm tra định kỳ kể từ ngày kết thúc kiểm tra và cấp, dán tem kiểm định cho phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 29/2018/TT-BGTVT.
Nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam ra Thông báo không đạt chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Đối với trường hợp nhập khẩu phương tiện, thông báo này được gửi cho các cơ quan liên quan biết để phối hợp…
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 và bãi bỏ các Thông tư số 56/2013/TT-BGTVT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách; Thông tư số 11/2015/TT-BGTVT ngày 20/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định kiểm tra thiết bị tín hiệu đuôi tàu thay thế toa xe trưởng tàu trên các đoàn tàu hàng; Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt./.