Theo đó, Quy trình gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được quy định cụ thể như sau:
1. Gửi văn bản điện tử
- Văn bản điện tử sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký ban hành, ký số theo quy định của pháp luật và gửi đến Bên nhận thông qua các hệ thống quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông với nhau.
- Bên gửi có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, bảo đảm văn bản điện tử được gửi đến đúng Bên nhận. Trường hợp thu hồi văn bản điện tử, Bên gửi phải thông báo trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho Bên nhận biết để xử lý văn bản điện tử được thu hồi.
2. Nhận văn bản điện tử
-Trước khi tiếp nhận, Bên nhận phải kiểm tra tính đầy đủ, toàn vẹn, tính xác thực của văn bản điện tử và tiến hành tiếp nhận trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Trường hợp không bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về gửi, nhận văn bản điện tử, Bên nhận phải kịp thời phản hồi thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành để Bên gửi biết, xử lý theo quy định.
- Sau khi tiếp nhận, Bên nhận xử lý và phản hồi trạng thái xử lý văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Trường hợp nhận được thông báo thu hồi văn bản điện tử, Bên nhận có trách nhiệm hủy bỏ văn bản điện tử được thu hồi đó trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thông báo việc đã xử lý văn bản điện tử được thu hồi thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành để Bên gửi biết.
3. Nội dung và yêu cầu thông tin của văn bản điện tử
- Nội dung thông tin của văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương bao gồm nội dung của văn bản điện tử đó và toàn bộ nội dung hồ sơ, tài liệu được gửi kèm theo.
- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương phải thể hiện các thông tin sau đây của văn bản điện tử:
+ Mã định danh của cơ quan, tổ chức:
Mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có một mã định danh khi tham gia gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Cấu trúc mã định danh cơ quan, tổ chức có 13 ký tự, chia thành bốn nhóm mã, các nhóm mã phân tách bởi dấu chấm: Mã cấp 1: mã của đơn vị cấp 1 (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,...); mã cấp 2, cấp 3, cấp 4: mã của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc đơn vị cấp 1, đơn vị cấp 2, đơn vị cấp 3 tương ứng;
+ Mã định danh văn bản;
Cấu trúc Mã định danh văn bản gồm:Mã định danh của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; năm ban hành văn bản, số thứ tự văn bản được ban hành trong năm;
+ Số và ký hiệu văn bản;
+ Ngày, tháng, năm văn bản;
+ Loại văn bản;
+ Trích yếu nội dung văn bản;
+ Hồ sơ, tài liệu gửi kèm;
+ Trạng thái xử lý (đã đến, đã tiếp nhận, đã chuyển xử lý, đang xử lý, đã hoàn thành, từ chối nhận (trả lại), thu hồi, xóa...);
+ Chức vụ, họ tên người ký;
+ Mức độ khẩn (khẩn/thượng khẩn/hỏa tốc);
+ Bên gửi;
+ Bên nhận;
+ Thời gian gửi, nhận;
+ Thời hạn xử lý;
+ Lịch sử gửi, nhận văn bản;
+ Thông tin khác (nếu có).
4. Tổng hợp thông tin, tình hình gửi, nhận văn bản điện tử
Việc tổng hợp, trích xuất thông tin, dữ liệu về tình hình, kết quả gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được thực hiện tự động trên các hệ thống:Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trích xuất thông tin, dữ liệu về tình hình gửi nhận văn bản điện tử của các bộ, ngành, địa phương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Văn phòng Chính phủ; văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp, trích xuất thông tin, dữ liệu về tình hình gửi, nhận văn bản điện tử của các đơn vị trực thuộc thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, trích xuất thông tin, dữ liệu về tình hình gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của địa phương.