Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
15 tình huống giải đáp pháp luật về vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 24/11/2022

Xử phạt hành vi sử dụng thịt heo chết do bị dịch bệnh để chế biến thực phẩm

  Tình huống 1.  Doanh nghiệp tư nhân A sử dụng thịt heo chết do bị dịch bệnh để chế biến thực phẩm chả dò đông lạnh bán cho siêu thị B. Hành vi của doanh nghiệp tư nhân A có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu bị xử phạt hành chính thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

          Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định về xử phạt vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm như sau:

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

+ Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 6 Điều 9; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; điểm a khoản 3 Điều 20; khoản 1 Điều 21; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi sử dụng thịt heo chết do bị dịch bệnh để chế biến thực phẩm chả dò đông lạnh bán cho siêu thị B, doanh nghiệp tư nhân A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi tự ý sử dụng hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa

Tình huống 2.  Doanh nghiệp tư nhân A kinh doanh vận chuyển hàng hóa tuyến Huế - Quảng Nam 3 chuyến/ngày. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp A đã tự ý sử dụng hành lang an toàn đường bộ tại thị xã Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa gây mất an toàn giao thông đường bộ. Hành vi của doanh nghiệp tư nhân A bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP;

- Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ;

- Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;

- Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;

- Dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 9 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP;

- Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

- Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;

- Xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố;

- Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi tự ý sử dụng hành lang an toàn đường bộ tại thị xã Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, doanh nghiệp tư nhân A sẽ bị xử phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện, vật dụng thi công trên lòng đường và hè phố sau khi hoàn thành thi công công trình

Tình huống 3. Công ty cổ phần xây dựng H được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thi công công trình đường bộ tại phường H, thị xã T, tỉnh M. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công công trình, Công ty cổ phần xây dựng H không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện, vật dụng thi công trên lòng đường và hè phố gây cản trở giao thông đường bộ. Hành vi của Công ty cổ phần xây dựng H bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong Giấy phép thi công hoặc trong văn bản thỏa thuận thi công của cơ quan có thẩm quyền, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP;

- Không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công theo đúng quy định;

- Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông;

- Không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện, vật dụng thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường (gồm lòng đường, lề đường, hè phố), phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ theo nguyên trạng khi thi công xong.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện, vật dụng thi công trên lòng đường và hè phố gây cản trở giao thông đường bộ sau khi hoàn thành công trình thi công, Công ty cổ phần xây dựng H sẽ bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định

Tình huống 4. Doanh nghiệp A được doanh nghiệp B ủy quyền quản lý, sử dụng công trình đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ xã H đến xã T của huyện X. Trong quá trình tổ chức thu phí, doanh nghiệp A đã không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định dẫn tới ùn tắc giao thông tại trạm thu phí hơn 40 phút. Hành vi của doanh nghiệp A bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 8 Điều 15 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m;

- Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định dẫn tới ùn tắc giao thông tại trạm thu phí hơn 40 phút, Doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi sản xuất trái phép biển số xe ô tô, mô tô

Tình huống 5. Từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2022, doanh nghiệp tư nhân Minh Khải sản xuất trái phép 200 biển số xe (150 biển số xe mô tô, 50 biển số xe ô tô) và đã bán ra thị trường 160 biển số. Với hành vi sản xuất trái phép biển số xe ô tô, mô tô, doanh nghiệp tư nhân Minh Khải bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 29 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng quy định xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép.

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi sản xuất trái phép biển số xe ô tô, mô tô, doanh nghiệp tư nhân Minh Khải sẽ bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân Minh Khải còn bị tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do bán 160 biển số.

Xử phạt hành vi vận chuyển động vật sống không đúng quy định

Tình huống 6. Doanh nghiệp T là doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp T đã vận chuyển 1 tấn động vật sống không đúng quy định. Doanh nghiệp T sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển 1 tấn động vật sống như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 71 Điều 29 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh vận tải đường sắt như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển thi hài, hài cốt trái quy định;

b) Vận chuyển động vật sống không đúng quy định;

c) Không thực hiện việc niêm yết, công bố, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc niêm yết không đúng quy định về: Giờ tàu, giá vận tải hành khách, giá vận tải hành lý, giá vận tải hàng hóa, các loại chi phí khác, kế hoạch bán vé, danh mục hàng hóa cấm vận chuyển bằng tàu khách, các quy định của doanh nghiệp về trách nhiệm phục vụ hành khách;

d) Không thực hiện việc thông báo số chỗ còn lại cho hành khách đối với các tàu bán vé bằng hệ thống điện tử theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt không thực hiện việc miễn, giảm giá vé hoặc thực hiện miễn, giảm giá vé không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện các nhiệm vụ vận tải đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đúng quy định về vận tải hàng siêu trường, siêu trọng;

c) Không thực hiện đúng các quy định về xếp, dỡ, vận chuyển hàng nguy hiểm;

d) Không bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của hành khách trong trường hợp vận tải bị gián đoạn do tai nạn giao thông hoặc thiên tai, địch họa;

đ) Không thực hiện đúng quy định về xếp hàng và gia cố hàng trên toa xe;

e) Không bố trí đủ nhân viên công tác trên tàu theo quy định;

g) Không xây dựng quy trình tác nghiệp đối với các chức danh nhân viên công tác trên tàu theo quy định.

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 nêu trên buộc phải đưa thi hài, hài cốt, động vật sống xuống tàu tại ga đến gần nhất để xử lý theo quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3 nêu trên buộc phải thực hiện ngay nhiệm vụ vận tải đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c, điểm đ khoản 3 nêu trên buộc phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi vận chuyển 1 tấn động vật sống không đúng quy định doanh nghiệp T sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp T buộc phải đưa động vật sống xuống tàu tại ga đến gần nhất để xử lý theo quy định.

Xử phạt hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép theo quy định

Tình huống 7. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuận Đạt đặt một lượng lớn giếng khoan nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty với lưu lượng  70 m3/ngày đêm nhưng chưa có giấy phép theo quy định. Với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước với lưu lượng 70 m3/ngày đêm không có giấy phép, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuận Đạt sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản xử phạt hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:

+ Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm;

+ Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,2 m3/giây đến dưới 0,3 m3/giây;

+ Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 2.000 m3/ngày đêm;

+ Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 500 kW đến dưới 1.000 kW;

+ Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 30.000 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm.

- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ quy định: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuận Đạt sẽ bị xử phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận

Tình huống 8. Tháng 01/2022, công ty cổ phần Tiến Minh được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tại thôn A xã B huyện X tỉnh N. Tháng 9/2022, công ty cổ phần Tiến Minh chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước cho doanh nghiệp tư nhân Hà Nguyễn tiếp tục khai thác tài nguyên nước tại tại thôn A xã B huyện X tỉnh N. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Với hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đồng ý, công ty cổ phần Tiến Minh sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Điều 12 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ quy định xử phạt hành vi  vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép về tài nguyên nước như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại giấy phép đã bị sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp.

- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, công ty cổ phần Tiến Minh sẽ bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Xử phạt hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận

Tình huống 9. Công ty cổ phần đầu tư M được Ủy ban nhân dân tỉnh N cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản tại xã K vào ngày 20/9/2022, tuy nhiên, trước khi được cấp giấy phép, vào ngày 01/8/2022, công ty cổ phần đầu tư M đã tự ý thi công công trình khoan, lò thăm dò khoáng sản tại xã K. Với hành vi tự ý thi công công trình khoan, lò thăm dò khoáng sản trước khi được Ủy ban nhân dân tỉnh N cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, công ty cổ phần đầu tư M sẽ bị xử phạt với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về thăm dò khoáng sản như sau:

Phạt tiền đối với hành vi đã được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản nhưng thi công công trình khoan, lò thăm dò khoáng sản trước khi được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, cụ thể như sau:

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định nêu trên;

- Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có từ 01 đến dưới 05 lỗ khoan, đường lò;

- Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có từ 05 lỗ khoan, đường lò trở lên.

- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ quy định: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Công ty cổ phần đầu tư M sẽ bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

Tình huống 10. Doanh nghiệp tư nhân R được Ủy ban nhân dân tỉnh M cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại phường P, thị xã H, huyện T, tỉnh M. Tuy nhiên, vào tháng 9/2022, doanh nghiệp tư nhân R có sự thay đổi một số thông tin của doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp tư nhân R đã tự ý tẩy, xóa, sửa chữa nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh M cấp làm sai lệch thông tin trong giấy chứng nhận. Với hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp tư nhân R sẽ bị xử phạt với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

- Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 14/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp tư nhân R sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng

Tình huống 11. Từ ngày 01/10/2022 đến 10/10/2022, doanh nghiệp tư nhân H sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường với số tiền 120.000.000 đồng. Hành vi của doanh nghiệp tư nhân H bị công nhân của doanh nghiệp phát hiện và báo cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và ra quyết định xử phạt doanh nghiệp tư nhân H số tiền 70.000.000 đồng. Doanh nghiệp tư nhân H hỏi với hành vi trên, doanh nghiệp bị xử phạt số tiền 70.000.000 đồng là đúng hay sai?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định:

 Xử phạt hành vi mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm dưới 1.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 14/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp tư nhân H bị xử phạt số tiền 70.000.000 đồng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Xử phạt hành vi gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi lợn nhằm mục đích trục lợi

Tình huống 12. Doanh nghiệp tư nhân P mở trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn tại xã S, huyện N, tỉnh D. Trong quá trình chăn nuôi, doanh nghiệp tư nhân P có hành vi gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi lợn tại trang trại với mục đích trục lợi. Với hành vi gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi lợn tại trang trại với mục đích trục lợi, doanh nghiệp tư nhân P sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định xử phạt hành vi  vi phạm về kê khai chăn nuôi như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kê khai;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

- Điểm b khoản 8 Điều 26 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy đinh về biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 26 nêu trên;

- Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 14/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp tư nhân P sẽ bị xử phạt số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc doanh nghiệp tư nhân P nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi lợn tại trang trại với mục đích trục lợi.

Xử phạt hành vi tẩu tán tài sản sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản

Tình huống 13. Do làm ăn thua lỗ, ngày 02/10/2022, công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên Ánh Ngọc có quyết định mở thủ tục phá sản công ty, tuy nhiên, ngay sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, công ty đã thực hiện hành vi tẩu tán tài sản. Với hành vi tẩu tán tài sản sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên Ánh Ngọc sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, 3 Điều 72 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã khi đã có quyết định mở thủ tục phá sản như sau:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà có một trong các hành vi sau:

a) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;

b) Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật Phá sản;

c) Từ bỏ quyền đòi nợ;

d) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên Ánh Ngọc sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc công ty trách nhiện hữu hạn một thành viên Ánh Ngọc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi chưa vi phạm. 

Xử phạt hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh

Tình huống 14. Doanh nghiệp A được cơ quan có  thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, vào tháng 9/2022, doanh nghiệp A đã bán ra thị trường với số lượng 52 lít thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh. Với hành vi đã bán ra thị trường 52 lít thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 8 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:

Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50 kilôgam trở lên hoặc từ 50 lít trở lên;

+ Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên;

+ Buôn bán pháo nổ từ 6 kilôgam trở lên;

+ Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.

- Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định:

 + Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;

+ Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng .

Xử phạt hành vi sản xuất bao bì hàng hóa giả

Tình huống 15. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Q đã có hành vi sản xuất 9000 bao bì bánh kẹo giả của công ty trách nhiệm hữu hạn M để bán ra thị trường. Hành vi của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Q sẽ bị xử phạt với mức tiền bao nhiểu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định xử phạt hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả như sau:

Đối với hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền như sau:

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng dưới 100 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tính tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị);

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 500 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 500 đơn vị đến dưới 1.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 1.000 đơn vị đến dưới 2.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 2.000 đơn vị đến dưới 3.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 3.000 đơn vị đến dưới 5.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì giả có số lượng từ 5.000 đơn vị đến dưới 10.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định:

+ Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;

+ Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Q sẽ bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

   

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.078.938
Lượt truy cập hiện tại 20.060