Việc đánh giá nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí với chất lượng tốt nhất. Theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý; từ đó có giải pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Yêu cầu đối với công tác đánh giá là phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan, chính xác, toàn diện, kịp thời theo các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Một vụ việc trợ giúp pháp lý không đánh giá hai lần.
Công tác đánh giá gồm 03 nội dung sau đây:
Một là, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Phạm vi đánh giá gồm vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng đã kết thúc được xác định theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP do người thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn thành trong năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ được đánh giá là 10% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc trong năm 2021 mà chưa được đánh giá.
Phương pháp đánh giá trên cơ sở giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ vụ việc. Trường hợp cần thiết, đề nghị người thực hiện trợ giúp pháp lý giải trình các vấn đề liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý được lựa chọn đánh giá để làm rõ trước khi kết luận đánh giá. Đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, Sở Tư pháp có thể mời các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật tham gia đánh giá hoặc tư vấn đánh giá chất lượng vụ việc. Người được mời tham gia phải có ý kiến bằng văn bản đối với vụ việc được yêu cầu đánh giá.
Kết quả đánh giá trên cơ sở đối chiếu với các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 12/2018/TT-BTP (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTP) và xếp loại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 17 Thông tư số 12/2018/TT-BTP để chấm điểm và xếp loại.
Hai là, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Phạm vi đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Tỷ lệ hồ sơ đánh giá là10% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý được Trung tâm trợ giúp pháp lý đánh giá là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
Phương pháp đánh giá tương tự như đối với trường hợp đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Kết quả đánh giá sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp về tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
Ba là đánh giá đột xuất. Khi phát sinh vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc đại diện ngoài tố tụng, vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả; các vụ việc khác trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Khi đánh giá các vụ việc nêu trên, có thể áp dụng nhiều phương pháp phù hợp để đánh giá, kết luận vụ việc.
Kế hoạch cũng nêu rõ, Phòng Bổ trợ tư pháp có trách nhiệm tham mưu tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, báo cáo kết quả đánh giá và tham mưu kết luận đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trình Lãnh đạo Sở Tư pháp. Đồng thời kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung và các biện pháp bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; các biện pháp cần thiết để xử lý các vụ việc trợ giúp pháp lý không đạt chất lượng.
Đối vói Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, phải chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục đối với vụ việc trợ giúp pháp lý không đạt chất lượng theo kết luận đánh giá chất lượng của Sở Tư pháp; kiến nghị, phản ánh về các nội dung kết luận đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có); triển khai thực hiện các yêu cầu liên quan đến việc đánh giá đột xuất./.