Thế nhưng, “Búp trên cành” trong câu chuyện dưới đây thật không may mắn, có trọn vẹn niềm hạnh phúc này. Đó là hoàn cảnh éo le của H.V.P, đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, bị can trong một vụ án hình sự.
Vụ án xảy ra vào chiều ngày 25/3/2018, sau khi mượn xe mô tô của anh N.P.Q (sinh năm 1991) để về nhà ăn cơm tại khu chung cư Phú Hậu, thành phố Huế, H.V.P chở D.Đ.T (sinh năm 2005) đến chơi tại khu vực nhà thờ, gần khu chung cư Phú Hậu. Tại đây, T nói với P: “Nhỏ gần đi vào Sài Gòn rồi, giật dây chuyền mấy đứa nhỏ bán lấy tiền”. Nghe vậy, P đồng ý và điều khiển xe mô tô chở T đến bãi cát phía sau khu chung cư Phú Hậu. Cả hai nhìn thấy cháu L.T.H (sinh năm 2008) đang đứng chơi cùng cháu L.T.P.A (sinh năm 2008), trên cổ cháu H có đeo một sợi dây chuyền kim loại màu vàng. P dừng xe mô tô cách vị trí cháu H và cháu P.A khoảng 05 mét. Lúc này, P dừng xe nhưng vẫn nổ máy, cả hai ngồi trên xe, T gọi cháu H đến đứng bên trái vị trí xe mô tô đang dừng. Do cháu H biết T hay đi chơi với anh trai của mình nên đến đứng nói chuyện. T vừa dùng tay trái khoác lên cổ cháu H, vừa nói “Khi mô gặp anh L thì nói ra quán nét gặp anh T sẹo nói chuyện”. Đồng thời, T dùng tay trái cầm vào sợi dây chuyền mà cháu H đang đeo trên cổ. P ngoái đầu nhìn thấy, liền tăng ga xe để T giật đứt sợi dây chuyền. Sau đó, P và T đến gặp anh Q, cả hai nói dối với anh Q là nhặt được sợi dây chuyền, nhờ anh Q đưa sợi dây chuyền đi bán giúp. Anh Q tin tưởng đồng ý và điều khiển xe mô tô chở P và T đến tiệm vàng Kim Phụng ở đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, thành phố Huế để bán sợi dây chuyện. Tại đây, anh Q bán được số tiền 1.480.000 đồng.
Ngày 05/4/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Huế đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H.V.P về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại các điểm d, g khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngay sau khi nắm bắt được cơ bản về nội dung vụ án, Trợ giúp viên pháp lý sắp xếp thời gian, chủ động liên lạc, hẹn gặp người thân của P. Đồng hành duy nhất cùng P trong suốt quá trình tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đến xét xử, không phải là bố hay mẹ P mà là dì ruột của P – chị D. Giọng trầm buồn, chị D chua xót, buồn bả kể về đứa cháu nhỏ tội nghiệp của mình. Mẹ P lỡ làng với một người đàn ông không rõ lai lịch rồi sinh ra P. P chào đời chưa được bao lâu thì mẹ P lặng lẽ bỏ nhà đi, từ đó không có một tin tức, hỏi thăm gì về gia đình, để P lại cho ông bà ngoại, tuổi đã “gần đất xa trời” nuôi dưỡng. Thương đứa cháu thiệt thòi của mình rất nhiều, nhưng ông bà ngoại gắng gượng lắm cũng chỉ nuôi P học đến lớp 6 thì phải cho nghỉ học để đi học nghề sửa xe.
Ban ngày, P ở lại tiệm sửa xe của nhà chủ để học nghề, tối mới về nhà. Với ông bà ngoại, P là một đứa cháu ngoan hiền, lễ phép, đặc biệt rất mực thương yêu và biết nghe lời người lớn. Thời gian trước, P thỉnh thoảng cũng xin ông bà đi chơi khuya cùng các bạn. Về sau, P tự ý đi chơi đêm nhiều hơn, thậm chí còn ngủ qua đêm ở bên ngoài. Khi sự việc xảy ra, cơ quan công an gọi người nhà P lên làm việc, ông bà ngoại sốc lắm, sức khỏe yếu hẳn hơn “Tui không tin nổi đó là sự thật. Nó hiền lắm mà….” dì của P nghẹn ngào.
Nỗi buồn ngày sơ thẩm
Qua diễn biến nội dung vụ án, ngoài bị cáo H.V.P còn có cháu D.Đ.T cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên khi thực hiện hành vi phạm tội cháu D.Đ.T chưa đủ 14 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần khẳng định một điều rằng chính cháu D.Đ.T vừa là người khởi xướng, vừa là người thực hành, tích cực nhất, cháu T đã trực tiếp gọi bị hại đến đứng bên cạnh xe do bị cáo P đang cầm tay lái, vừa dùng tay trái khoác lên cổ cháu H, đồng thời dùng tay trái cầm vào sợi dây chuyền cháu H đang đeo trên cổ, khi bị cáo P tăng ga thì cháu T đã nhanh chóng giật đứt sợi dây chuyền này. Như vậy, bị cáo P chỉ là người tiếp thu ý chí của cháu T, thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức trong vụ án.
Hoàn cảnh gia đình bị cáo rất đáng thương, bị cáo sống nhờ sự cưu mang, thương yêu của ông bà ngoại và dì ruột. Tại thời điểm phạm tội bị cáo chỉ có 14 tuổi 08 tháng 12 ngày (bị cáo sinh ngày 13/7/2003), lứa tuổi còn non nớt trong nhận thức, suy nghĩ và hành động; đặc biệt là nhận thức về pháp luật còn hạn chế rất nhiều so với người trưởng thành, bị cáo nhận thức chưa được đầy đủ hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra cho xã hội, gia đình và đặc biệt cho chính bản thân bị cáo, ngoài ra bị cáo đã thiếu sự quan tâm, giáo dục của nhà trường đồng thời sự quản lý từ phía gia đình cũng rất lỏng lẻo nên đã không kịp thời uốn nắn những sai phạm của bị cáo dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra như ngày hôm nay.
Bên cạnh những vấn đề trên, tại phiên tòa sơ thẩm Trợ giúp viên pháp lý còn đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cụ thể:
- Điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 (Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải);
- Điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả),
- Người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo (khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Phân tích các điều kiện được hưởng án treo theo quy định của pháp luật hình sự. Vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Trợ giúp viên đề nghị áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật Hình sự - Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, đề nghị xử phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo P là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội đối với trẻ em làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của các cháu, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; hơn nữa mục đích phạm tội để chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân. Do đó, không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhanh dân thành phố Huế và người bào chữa, Tòa tuyên xử bị cáo P 18 tháng tù. Không khí phiên tòa hôm ấy như lắng lại, bị cáo cúi gằm khuôn mặt còn non nớt của mình xuống đất và không giữ được bình tĩnh, bị cáo bật khóc thành tiếng. Hình ảnh đó khiến ai có mặt tại phiên tòa đều thấy thật xót xa.
Trợ giúp viên pháp lý nhanh chóng đến động viên, an ủi, trấn an, xốc lại tinh thần cho bị cáo. Đưa tay ngăn dòng xúc động trên đôi mắt, bị cáo hối hận “Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, vì phút bồng bột, nông nổi cháu đã làm việc sai trái, cháu hối hận vô cùng…..Cháu thương ông bà ngoại vất vả nuôi cháu nhiều lắm. Mong cô tìm cách giúp cháu với...”
Niềm vui ngày phúc thẩm
Nhen nhóm hy vọng, niềm tin về cánh cửa phúc thẩm đối với bị cáo P, với suy nghĩ tích cực của mình, Trợ giúp viên pháp lý bắt tay vào việc soạn đơn kháng cáo cho bị cáo.
Quá trình gặp gỡ, làm việc tại cấp sơ thẩm, nhận thấy gia đình bị hại có tấm lòng rất vị tha, bao dung và thông cảm cho hoàn cảnh của bị cáo P. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý tiếp tục đến gặp gỡ gia đình người bị hại để thăm hỏi, tại buổi gặp gỡ này, gia đình người bị hại cũng thể hiện mong muốn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Thêm một tin vui và cũng là cơ hội nữa đến với bị cáo là VKSND cấp sơ thẩm có Quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm, đề nghị giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng để cho bị cáo được hưởng án treo.
Phiên tòa phúc thẩm được mở vào vào một buổi chiều đông mưa lạnh.
Trợ giúp viên pháp lý không tranh luận về tội danh mà chỉ tập trung phân tích lại các vấn đề như đã trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài ra đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên kháng cáo, khẩn thiết yêu cầu tòa phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo. Đây là tình tiết mới của vụ án, có lợi cho bị cáo P. Mặt khác, khi người bị hại – cháu H bị giật dây chuyền thì cháu H đang đứng trên bãi cát, xe của bị cáo P đứng tại chỗ, cháu H không bị ngã, cháu H không bị thương tích gì nên ở tình tiết định khung “dùng thủ đoạn nguy hiểm” trong trường hợp này không đúng với sự thật khách quan của vụ án.
Với những phân tích, lập luận hết sức chặt chẽ, thuyết phục như trên, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, áp dụng điểm b, khoản 1 Điều 355; điểm e, khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 chấp nhận nội dung kháng cáo; áp dụng điểm d, g khoản 2 Điều 171; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51và điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017; Điều 54 và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017; Điều 65; Điều 91; khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo P 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Ôm bị cáo vào lòng, chị D bật khóc vỡ òa, vui mừng “Con thật may mắn, cuộc đời phía trước rất nhiều khó khăn. Mạnh mẽ đứng lên con nhé…” Đôi mắt P hướng về phía cánh cửa, ánh mắt lấp lánh niềm tin về một tương lai đang chờ đợi.