Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (thay thế Thông tư liên tịch số 10/2007); Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Kế hoạch triển khai Thông tư số 11/2013/TTLT tại tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát việc phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2014, nhận thấy rằng:
- Công tác điều hành chỉ đạo: Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng đã chỉ đạo ngành mình triển khai Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT đến các toàn thể cán bộ của ngành, trong đó giao trách nhiệm cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải nhận thức rõ vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng để quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch;
Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT cho 180 đại biểu là cán bộ các Cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ trại giam, nhà tạm giữ và biên phòng; cung cấp bảng tin, hộp tin và các mẩu đơn, tài liệu cho các Cơ quan tiến hành tố tụng để niêm yết đúng quy định.
- Kết quả việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT tại các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc thành phố Huế; huyện A Lưới; Phong Điền; Phú lộc, thể hiện như sau:
Trên cơ sở kiểm tra thực tế sổ sách, hồ sơ vụ việc và nghe báo cáo công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cấp huyện, cho thấy đã phản ánh đầy đủ trách nhiệm của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc , thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT thể hiện: Việc niêm yết bảng thông tin; đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành thực hiện đầy đủ đúng theo quy định. Việc quán triệt Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT đến toàn thể cán bộ, công chức của các ngành, đặc biệt là đội ngũ Điều tra viên; Kiểm sát viên và Thẩm phán đã nâng cao nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo và các đương sự biết quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng; việc cấp Giấy chứng nhận của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được các cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT có giá trị từ khi cấp cho đến khi kết thúc vụ án đã tạo thuận lợi cho các Trợ giúp viên, luật sư (Cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) khi tham gia hoạt động tố tụng;
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn chú trọng việc thông báo thời gian, địa điểm tham gia hỏi cung của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ; hoặc thời gian làm việc đối với nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án dân sự cho Trợ giúp viên và luật sư - cộng tác viên kịp thời; tạo điều kiện trong việc tiếp xúc, nghiên cứu, sao chép, hồ sơ và thông báo lịch xét xử cho trợ giúp viên, luật sư; đảm bảo các quy định về tố tụng; trong hoạt động xét xử, việc tranh tụng tại phiên tòa luôn được Hội đồng xét xử chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động xét xử.
- Đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện tham gia tố tụng 244 vụ (do luật sư - cộng tác viên thực hiện: 86 vụ, do Trợ giúp viên thực hiện là: 158 vụ, chiếm 64,7% số vụ việc tham gia tố tụng).
Đa số các vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, luật sư - cộng tác viên tham gia, thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm được quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu hồ sơ cẩn thận, thực hiện thu thập thông tin, cung cấp các chứng cứ có giá trị về mặt pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo quy định của pháp luật; Trợ giúp viên có sự chuẩn bị bản luận cứ, quá trình trình bày quan điểm chặt chẽ, có căn cứ làm cơ sở pháp lý mang tính thuyết phục. Về cơ bản, sự tham gia của Trợ giúp viên đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, các ý kiến tranh tụng cũng như đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên đã góp phần tích cực cho Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đưa ra các bản án, quyết định phù hợp với pháp luật, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Các Cơ quan tiến hành tố tụng có nhận xét chung: Khi có Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng sẽ giúp cho quá trình tố tụng của các cơ quan được khách quan, chính xác, giúp người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo thì các vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý tham gia giúp cho họ có tâm lý phấn khởi, yên tâm và tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và giúp đỡ cho họ về mặt pháp luật.
- Những tồn tại, hạn chế:
Nhận thức về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đang còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất, có nơi xem đây chỉ là nhiệm vụ của ngành Tư pháp; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn chưa được thường xuyên.
Một số người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT; phần lớn chú trọng các đối tượng bắt buộc chỉ định, chưa chú trọng đến nhóm người được trợ giúp pháp lý trong xã hội; số lượng án được trợ giúp pháp lý còn rất thấp so với số lượng án giải quyết tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Phát huy những kết quả đạt được năm 2014; Hội đồng Liên ngành đề ra một số giải pháp tiếp tục triển khai Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT trong năm 2015 như sau:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về trợ giúp pháp lý; thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT và tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý.
- Đẩy mạnh các hoạt động tố tụng và đánh giá chất lượng vụ việc; tổ chức Hội nghị, Hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng về công tác trợ giúp pháp lý; thường xuyên giám sát, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để theo dõi, nắm bắt và đánh giá chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý./.