Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 17.174
Một vụ việc khiếu kiện kéo dài 10 năm đã có hồi kết
Ngày cập nhật 27/12/2011

Tranh chấp thừa kế về đất đai thường là những vụ việc tranh chấp gay gắt, phức tạp, kéo dài nhiều năm, gây dư luận không tốt cho người dân và xã hội, làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức, truyền thống của gia đình người Việt Nam. Là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về mặt xã hội, mất đoàn kết nội bộ gia đình, xóm làng, kìm hãm sự phát triển kinh tế gia đình, đất nước. Dưới đây là một trong những vụ việc như vậy đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TTTGPLNN) tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện, góp phần giúp “giải quyết dứt điểm vụ việc mà gần 10 năm trời bế tắc” (theo nhận định của UBND xã Hương Vinh).

Hai anh em ông Nguyễn Đôn Dung 68 tuổi, làm nghề bán vé số và bà Nguyễn Thị Gái 63 tuổi, bị tật nguyền, là con ruột của ông Nguyễn Đôn Khoan và bà Nguyễn Thị Chạy. Năm 1952, bà Chạy chết, sau một thời gian thì ông Nguyễn Đôn Khoan đi bước nữa với bà Lê Thị Quyến và sinh được 04 người con nhưng 01 người đã bị chết, còn lại 03 người là các ông: Nguyễn Đôn Dũng, Nguyễn Đôn Quyên, Nguyễn Đôn Chỉnh.
Ngày 21/3/1993, ông Nguyễn Đôn Khoan chết và ngày 28/7/2002 bà Lê Thị Quyến chết, cả hai ông bà đều không để lại di chúc. Di sản để lại gồm 02 thửa đất số T491, diện tích 1448m2 và T497, diện tích 511m2 thuộc tờ bản đồ số 7, đều tọa lạc tại xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ năm 2000 ông Dung và bà Gái đã khởi kiện ra Tòa án để phân chia di sản thừa kế, nhưng do thủ tục khởi kiện không đảm bảo nên TAND huyện Hương Trà đã trả lại hồ sơ. Đến năm 2002, ông Dung, bà Gái cùng các con và bà Quyến đã có thỏa thuận phân chia di sản, thống nhất phần thừa kế mỗi người được hưởng, UBND xã Hương Vinh đã lập “Biên bản phân chia quyền sử dụng đất” và chứng thực ngày 29/02/2002. Sau khi bà Quyến chết, ngày 03/11/2003 có lập Biên bản phân chia quyền sử dụng đất. Nhưng sau đó ông Nguyễn Đôn Dũng, Nguyễn Đôn Quyên, Nguyễn Đôn Chỉnh không muốn chia di sản và đã tự ý xây nhà trên đất do ông Nguyễn Đôn Khoan để lại nhằm chiếm đoạt toàn bộ diện tích đất đó, ngoài ra, để tránh việc phân chia di sản, các ông đã cất giấu giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, mặc dù ông Dung, bà Gái đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng các cơ quan (kể cả TAND huyện Hương Trà) không có đủ cơ sở để thụ lý hồ sơ. Do đó vụ việc kéo dài đã gần 10 năm. 
Xét thấy ông Dung và bà Gái là hộ nghèo thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định, Trung tâm đã thụ lý vụ việc và cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dung và bà Gái từ giai đoạn tiền tố tụng.
Sau khi phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hương Vinh tổ chức hòa giải giữa các đương sự nhưng không thành, ngày 14/10/2009, Trung tâm đã giúp ông Dung, bà Gái soạn thảo đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất gồm 02 thửa đất: T491 diện tích 1448m2 và T497 diện tích 511m2 gửi Tòa án nhân dân huyện Hương Trà. Đồng thời đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dung, bà Gái, được Tòa án nhân dân huyện Hương Trà chấp nhận.
 Qua nghiên cứu hồ sơ và phối hợp với các cơ quan có liên quan để tìm hiểu, vụ việc thể hiện như sau: di sản để lại của ông Nguyễn Đôn Khoan gồm 02 thửa đất: T491 diện tích 1448m2  và T497 diện tích 511m2. Thửa đất T491, diện tích 1448m2 lúc ông Nguyễn Đôn Khoan còn sống đã lập thủ tục tặng cho 03 người con là Nguyễn Đôn Dũng, Nguyễn Đôn Quyên, Nguyễn Đôn Chỉnh và được UBND huyện Hương Trà cấp giấy CNQSD đất vào ngày 30/6/1992 (đây là mấu chốt dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các anh em trong gia đình, vụ kiện kéo dài…vì ông Dung cho rằng: Trước lúc ông Khoan đang còn sống vào thời điểm năm 1992 ông Khoan có gọi ông Dung là con đầu lòng căn dặn việc trông nom vườn tược làm nơi hương hỏa thờ cúng, hơn nữa giai đoạn này ông Khoan rất yếu, không còn đi lại được, ông Dung phải lo thuốc thang thường xuyên cho đến khi ông chết, làm gì có chuyện cho chác các con của mẹ kế…). Thửa đất T497, diện tích 511m2 đã được UBND huyện Hương Trà cấp cho ông Nguyễn Đôn Khoan, giấy CNQSD đất số A099212 ngày 23/2/1992.
Tài sản tranh chấp mà ông Dung và bà Gái yêu cầu Tòa án giải quyết là 02 thửa đất nêu trên. Sau khi xác minh, điều tra thu thập thông tin, tìm chứng cứ có cơ sở về mặt pháp lý cung cấp cho TAND huyện Hương Trà, quá trình tìm hiểu làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp, nhận thấy: Về thửa đất T491, diện tích 1448m2 ông Khoan đã tặng cho các con: Nguyễn Đôn Dũng, Nguyễn Đôn Quyên, Nguyễn Đôn Chỉnh đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Chỉ còn thửa đất số T497, diện tích 511m2 là di sản thừa kế để lại chưa chia và cũng không có di chúc, nên các đồng thừa kế được hưởng theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dung và bà Gái trong vụ việc nói trên, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, giải thích cụ thể các quy định pháp luật về thừa kế, tố tụng dân sự để ông bà hiểu. Qua đó, ông Dung và bà Gái đã tự nguyện rút một phần nội dung khởi kiện tại đơn khởi kiện gửi cho Tòa án Nhân dân huyện Hương Trà, không yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất đối với thửa đất T491 có diện tích 1448m2, tờ bản đồ số 7, chỉ yêu cầu tòa án giải quyết về phần di sản của bố để lại là thửa đất số T.497 có diện tích 511m2.
Ngày 28/9/2010, TAND huyện Hương Trà mở phiên tòa xét xử, với sự giúp đỡ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, ông Dung và bà Gái đã được nhận lại phần di sản do bố mình để lại trong niềm vui sướng và xúc động, vụ việc tranh chấp đất đai 10 năm nay đã được giải quyết.
Tuy nhiên, sau khi Bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Dung, bà Gái chưa hết vui mừng thì phải đối mặt với những khó khăn vì người phải thi hành án không tự nguyện thi hành bản án. Trung tâm TGPLNN tiếp tục giúp đỡ ông bà trong việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án, và đã giúp ông Dung, bà Gái nhận được tài sản thừa kế. 
Qua vụ việc này, chúng tôi nhận thấy, công tác trợ giúp pháp lý không phải là việc làm đơn giản. Trợ giúp viên khi tham gia vụ án không chỉ tham gia thu thập chứng cứ, chứng minh chứng cứ, trình bày quan điểm để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp tại phiên Tòa; mà sau khi vụ án kết thúc, bản án có hiệu lực pháp luật, để thực hiện bảo vệ cho người dân đến đích cuối cùng, Trợ giúp viên pháp lý phải luôn “đồng hành cùng người dân” thì mới có thể giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp một cách kịp thời, hiệu quả.
 

Võ Thị Xuân Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày