I. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP
Quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
1. Kinh doanh theo phương thức đa cấp
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: (i) Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; (ii) sản phẩm nội dung thông tin số.
2. Những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
Trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác; tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp; tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép; không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Hoạt động bán hàng đa cấp phải được đăng ký. Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
(2) Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;
(3) Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này;
(4) Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định sau đây: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
(5) Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này;
(6) Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp;
(7) Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
4. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần có thời hạn 05 năm.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong trường hợp đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy như lần đầu.
Trước khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực ít nhất 03 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
5. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong những trường hợp sau đây:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương bị thu hồi hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối;
- Doanh nghiệp bị xử phạt về một trong các hành vi cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện (quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa hợp lệ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại các hàng hóa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và hoàn trả theo mức thỏa thuận với người tham gia bán hàng đa cấp nhưng không thấp hơn 90% số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận số hàng hóa đó (khoản 3 Điều 47 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) trong quá trình tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp không khắc phục kịp thời theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để đáp ứng đầy đủ các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (quy định tại Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP) trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp.
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực pháp luật.
6. Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trong 03 trường hợp sau: (i) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn theo quy định; (ii) doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; (iii) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương, niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, công bố trên trang chủ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; chấm dứt, thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; hoàn thành các nghĩa vụ theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền.
7. Hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. (ii) Doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương. (iii) Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Sở Công Thương thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp: Hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương có thông tin gian dối; doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục; không tuân thủ trách nhiệm cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Các trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương: Doanh nghiệp bị thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Công Thương, niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương (nếu có), công bố trên trang chủ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; chấm dứt, thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; hoàn thành các nghĩa vụ theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
8. Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp
Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:
- Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;
- Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện; tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác); tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
- Cá nhân là tành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này;;
- Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng ít nhất là 10 ngày làm việc. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm các quy định về trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận trong quá trình tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được cấp Thẻ thành viên cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản và có cam kết bằng văn bản. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cấp miễn phí Thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp.
II. NHẬN DIỆN KINH DOANH ĐA CẤP BẤT HỢP PHÁP
Theo tài liệu của Bộ Công thương (ban hành kèm theo Công văn số 4488/BCT-CT ngày 22/6/2020 về tăng cường đấu tranh ngăn chặn phòng ngừa hoạt động, kinh doanh đa cấp trái phép), một số dấu hiệu để nhận diện kinh doanh đa cấp bất hợp pháp nhằm thu lợi bất chính như sau:
1. Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp
a) Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp không có Giấy chứng nhận hoạt động bán hành theo phương thức đa cấp.
b) Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp... Các hình thức này bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không đợc pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu động đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017).
2. Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính
Thực tế thời gian qua một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình tổ chức hoạt động có hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau:
- Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục;
- Yêu cầu nộp tiền đặc cọc.
- Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định).
- Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên.
- Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo.
Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính:
- Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này.
- Khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.
b) Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp
Mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia.
Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, bạn cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.
Bạn cần phải hiểu: Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng, người bán được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và kết quả bán hàng của mạng lưới người tham gia phía dưới mình, chứ không phải nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng.
c) Nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia
Nói quá, quản cáo gian dối là hình thức cơ bản để các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính thu phục người mới, khiến họ mờ mắt trước những thông tin không có thật.
Việc nói quá của đối tượng bán hàng đa cấp bất chính có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:
- Nói quá về cơ hội làm giàu: Người bị dụ dỗ tham gia vào các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường được nghe những lời quảng cáo về khả năng có thể giàu lên nhanh chóng sau một thời gian vào mạng lưới. Thành viên của doanh nghiệp đa cấp bất chính sẽ vẽ ra những cảnh tượng giàu sang, nêu những tấm gương giàu có đã thành công ở doanh nghiệp, hoặc bản thân họ cũng tỏ ra hiểu biết giàu có với cách ăn mặc hào nhoáng. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính cũng thường tổ chức các sự kiện vinh danh rầm rộ, cho người lên vinh danh với những khoản thưởng được giá trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để khiến những người ngồi dưới có niềm tin rằng họ cũng sẽ làm được như vậy. Tuy nhiên, các thông tin này thực chất đều là giả tạo, những người lên nhận thưởng thường chỉ đeo dải băng chéo với số tiền lớn nhưng không được trao số tiền như đúng mệnh giá trên dải băng của họ, hoặc số tiền đó là số tiền thưởng của cả hệ thống hàng ngàn người chứ không phải của riêng họ. Người nhẹ dạ có thể sẽ tin tưởng vào đầu tư nhiều tiền để nhanh chóng có được thành công như vậy.
- Nói quá về công dụng sản phẩm: Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo các sản phẩm của họ như những sản phẩm thần thánh, có thể chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Họ đưa ra các ví dụ thực tế qua các hình ảnh, thậm chí các video clip có người bệnh trình bày. Tuy nhiên các hình ảnh vào clip này đều là dàn dựng, không có thật.
- Nói quá về quy mô, sức mạnh của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ là doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, lấy tên giống một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng để lấy niềm tin của người khác, họ thường quảng cáo họ là doanh nghiệp đa quốc gia, hoạt động trên nhiều quốc gia trên thế giới, có nhà máy, trụ sở, văn phòng ở nhiều quốc gia khác nhau. Hình thức nói quá này thường nhắm đến những người có nhận thức hạn chế, nghĩ rằng mình được làm việc cho doanh nghiệp quốc tế, cảm thấy tự hào và càng tin tưởng là không bị lừa.
d) Không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng
Các doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ tập trung vào tuyển dụng người mới để thu tiền mà không quan tâm đến mua bán hàng hóa, do đó họ thường không có hàng hóa hoặc có nhưng chỉ là các hàng hóa giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền.
Các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hóa đơn nhưng không giao hàng. Để ngụy trang cho việc này, họ thường cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống, hoặc đóng dấu “đã nhận hàng” vào hóa đơn xuất cho người nộp tiền.
Một số doanh nghiệp có giao hàng nhưng hàng hóa giá trị rất thấp so với số tiền thu của người tham gia, ví dụ như thực phẩm chức năng sản xuất trong nước, đồ gia dụng xuất xứ Trung Quốc được bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Sau một thời gian, người nộp tiền không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn đến đòi lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện họ đã nhận hàng, hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại.
Lưu ý: Trong quá trình theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, trường hợp có những thắc mắc hoặc phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia bán hàng đa cấp hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương (Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; địa chỉ email: vcca@moit.gov.vn; điện thoại: 024.2220.5002) để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi thông tin của người khiếu nại và tố cáo đều được bảo mật theo quy định pháp luật.