Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.978.960
Truy cập hiện tại 6.152
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM XÂY DỰNG CẤP XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT NĂM 2018
Ngày cập nhật 16/04/2018

Năm 2017, Thừa Thiên Huế tổ chức đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg. Mặc dù còn nhiều lúng túng nhưng với sự quan tâm hướng dẫn thường xuyên, kịp thời của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức đánh giá cơ bản đảm bảo kế hoạch. Kết quả, có 111/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 73%). Bên cạnh đó, việc đánh giá còn những tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện trong năm 2018.

Cần chú trọng yếu tố thực chất trong công tác đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Bên cạnh kết quả đánh giá hết sức khả quan của năm 2017, thực tế cho thấy việc đánh giá của một số địa phương còn mang tính hình thức, đối phó, chưa đi vào thực chất. Kết quả tự chấm điểm tại một số đơn vị cấp xã chưa sát thực tế, còn chạy theo thành tích. Công tác thẩm tra hồ sơ của một số đơn vị cấp huyện chưa chặt chẽ, thiếu căn cứ, tài liệu kiểm chứng. Một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật các địa phương chưa bảo đảm, như: Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; đảm bảo diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đảm bảo trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kinh phí hòa giải ở cơ sở theo quy định…

Công tác triển khai các hoạt động thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương thiếu kịp thời, đồng bộ. Một số nội dung công việc không bảo đảm yêu cầu, như: Thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật chậm về tiến độ; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều xã còn mang tính hình thức; trình tự, thủ tục thực hiện chấm điểm tại xã chưa bảo đảm, chủ yếu do công chức Tư pháp – Hộ tịch tự thực hiện; thời hạn thực hiện đánh giá từ cấp xã đến cấp huyện bị chậm; một số đơn vị cấp huyện chỉ lập danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa lập danh sách cấp xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; chưa thực hiện đề xuất giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn (một số đơn vị báo cáo chung về công tác thực hiện, chưa đi sâu vào vướng mắc và đề xuất giải pháp; một số đơn vị xây dựng báo cáo không đúng thẩm quyền); chưa thực hiện niêm yết kết quả đánh giá, công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp huyện và cấp xã theo quy định.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định do khách quan và chủ quan. Về khách quan, năm 2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện nên nhiều địa phương còn lúng túng. Ngoài ra, văn bản về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ban hành muộn nên một số nhiệm vụ triển khai bị động. Một số nội dung chưa được quy định chi tiết nên khó khăn khi thực hiện hoặc không bảo đảm tính thống nhất giữa các địa phương (tài liệu kiểm chứng đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu). Nhiều đơn vị cấp xã còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí nên khó bảo đảm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan.

Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ mới, gồm nhiều nội dung công việc. Nhiệm vụ này được giao cơ quan Tư pháp các cấp tham mưu thực hiện, trong khi không có biên chế chuyên trách cho công tác này. Vì vậy, cán bộ tham mưu phải kiêm nhiệm, thiếu thời gian đầu tư cho nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật gồm lãnh đạo các ngành, cơ quan liên quan, hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác này; chưa có chế độ cho thành viên Hội đồng.

Về chủ quan, nhận thức, ý thức của lãnh đạo một số địa phương về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến công tác này; một số địa phương thực hiện còn mang tính đối phó hoặc chạy theo thành tích. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa kịp thời, thường xuyên; chưa có giải pháp chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị cấp xã không tổ chức đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Công tác phối hợp giữa các ngành chưa thường xuyên, đồng bộ, các công việc chủ yếu do cơ quan Tư pháp thực hiện. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật chưa có hình thức đánh giá, kiểm chứng các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với cấp xã một cách hiệu quả, thống nhất. Nhiều đơn vị cấp xã chưa quan tâm triển khai một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật có thể bảo đảm theo quy định, như: Niêm yết công khai đầy đủ kịp thời các thủ tục hành chính theo quy định; giải quyết thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương,… Công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật chưa đầy đủ, thiếu hệ thống, khó khăn khi tìm tài liệu kiểm chứng.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Để nâng cao chỉ tiêu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2018 và đưa công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào nề nếp, kiến nghị các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác này. Từ đó, thống nhất ý chí hành động, tăng cường thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia giám sát của người dân trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.

Hoàn thiện cơ chế thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, cần quy định cụ thể về kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã. Qua đó, tạo căn cứ để các địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Triển khai đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chú trọng hướng dẫn về tài liệu kiểm chứng, hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, trình tự, thủ tục thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức có liên quan, quan tâm đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện ở cấp huyện và cấp xã.

Có giải pháp tháo gỡ đối với các xã, phường, thị trấn có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đảm bảo diện tích và trang thiết bị làm việc theo quy định. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã, phường, thị trấn; đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của các xã, phường, thị trấn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thường xuyên để nhiệm vụ này đi vào nề nếp, thực chất./.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày