Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 12.603
QUYỀN CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM THEO PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
Ngày cập nhật 30/11/2011

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước 1982) là văn bản pháp lý có tính chất tổng hợp, bao quát các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển, đại dương, phù hợp với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc; là văn kiện pháp lý quan trọng chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc. Ngày 23 tháng 6 năm 1994 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này và trở thành thành viên thứ 64.
Để hiểu rõ căn cứ pháp lý quốc tế trong việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển đông, bài viết giới thiệu một số quy định của Công ước 1982 về các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển.
 

 Công ước 1982 quy định quốc gia ven biển có 05 vùng biển với phạm vi và chế độ pháp lý khác nhau, gồm: vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Nội thủy là vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải. Vùng nội thủy bao gồm: các vùng nước cảng biển, vũng tàu, cửa sông, vịnh, vùng nước nằm giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Quốc gia ven biển có toàn quyền tuyệt đối đối với vùng nội thủy.
Lãnh hải có chiều rộng không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Ranh giới bên ngoài của lãnh hải là biên giới của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với lãnh hải nhưng không tuyệt đối như đối với vùng nội thủy. Trong khu vực lãnh hải, tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại, tuy nhiên, quốc gia ven biển có quyền bố trí phân chia các luồng giao thông do mình quy định, điều phối việc qua lại của các tàu thuyền để bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích của mình.
Trong một vùng tiếp giáp với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp. Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Trong vùng tiếp giáp, quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa những phạm vi hoặc trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế là vùng nằm phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế không rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có: Quyền thuộc chủ quyền về việc tham dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước trên đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm tham dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió; các quyền liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; và các quyền, nghĩa vụ khác.
Bên cạnh các quy định đối với quốc gia ven biển, Công ước cũng đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế, dù có biển hay không có biển, được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm, quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế cũng như phù hợp với các quy định của Công ước 1982. Khi thực hiện các quyền và làm nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia này phải tính đến quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng quy định của Công ước.
Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn. Nếu bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển đó có thể mở rộng ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý.
Quốc gia ven biển có quyền thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Tài nguyên thiên nhiên bao gồm tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, các sinh vật thuộc loại định cư. Các quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

Với các quy định của Công ước 1982, đã xác nhận và khẳng định sự phù hợp của tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan. Theo đó, các vùng biển của Việt Nam được quy định như sau: Lãnh hải rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven biển của Việt Nam tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất trở ra. Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, có chiều rộng là 12 hải lý, hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế tiếp liền lãnh hải và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.
Trong khoản 4 Điều 4 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định về thềm lục địa có sự điều chỉnh như sau: Thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa mà Việt Nam là quốc gia ven bờ có quyền chủ quyền, quyền tài phán được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, trừ trường hợp điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan có quy định khác”.
Tương ứng với các vùng biển, Tuyên bố năm 1977 và các văn bản pháp luật liên quan đồng thời quy định các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế.
 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày