Tại phiên họp, đồng chí Phan Bá Mỹ, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp - Tổ trưởng Tổ Thư ký Hội đồng thay mặt Hội đồng báo cáo tóm tắt (có trình chiếu hình ảnh) tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024. Hội đồng thống nhất đánh giá: Năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 đã ban hành 31 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các ngành, cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh; năm 2024 đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình và được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 14 tháng 5 năm 2024 quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thừa Huế; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (đến nay, có 129 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 197 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.694 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã). Tại 9 huyện, thị xã, thành phố Huế đã tổ chức 26 Hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở; các buổi tập huấn về công tác xây dựng, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật,…
Tham dự Phiên họp tư vấn, ngoài báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng năm 2023, 06 tháng đầu năm 2024, các đại biểu đã nghe và nghiên cứu 09 tham luận, 04 ý kiến thảo luận tại chỗ, ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Dương – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Qua đó, các thành viên Hội đồng đã đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hữu hiệu xuất phát từ thực tiễn, như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh); chú trọng phổ biến pháp luật cho đối tượng là học sinh, sinh viên; xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giải pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng xã hội, nền tảng Hue-S, các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua Chương trình “Với khán giả truyền hình” trên sóng truyền hình và các nền tảng số của của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,...
Kết luận và chỉ đạo phiên họp tư vấn của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng đồng tình với báo cáo hoạt động của Hội đồng trong năm 2023, 06 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ giải pháp 06 tháng cuối năm 2024; ghi nhận các ý kiến tư vấn, kiến nghị giải pháp của các thành viên Hội đồng. Đồng chí đánh giá cao Hội đồng, thành viên Hội đồng và các cơ quan, địa phương đã chú trọng, quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tư vấn công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản đầy đủ, kịp thời, giúp cho công tác này được triển khai rộng khắp, thống nhất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là sự chủ động, kịp thời đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong 06 tháng cuối năm 2024, đồng chí đề nghị các thành viên Hội đồng quan tâm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: thực hiện Nghị quyết số 27-NQ-TW xác định nhiệm vụ “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; phối hợp tổ chức các Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến về phòng, chống tác hại của thuốc lá” và “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia” trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động này; đa dạng nội dung, hình thức tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 gắn với việc lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung trong 02 tháng cao điểm là tháng 10, 11/2024; truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”,...
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, hiện nay tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80%. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”, đảm bảo công tác này ngày càng phát huy được hiệu quả tại cơ sở, góp phần giảm các khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, thắt chặt tình đoàn kết của bà con, lối xóm, góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương. Đề nghị Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục hướng dẫn về thực hiện mức chi mới đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện Hướng dẫn số 4093 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng,... bằng các hình thức phù hợp./.